Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Xiaomi hẳn phải là một trong những thương hiệu ‘bận rộn’ nhất thị trường, gần như họ liên tục tung ra các mẫu sản phẩm mới trong khi mẫu cũ mới chỉ lên kệ cách đó mấy tháng. Ở trường hợp này, cách đây không lâu hãng tung ra Mi True Wireless Earphones 2 với giá khoảng 1,5 triệu đồng hồi tháng 3, và đến tháng 6 họ tung ra phiên bản khác là Mi True Wireless Earphones 2 Basic với giá rẻ hơn, khoảng 1 triệu đồng. Thoạt nhìn, chúng cơ bản là giống như nhau.
Vậy sự khác biệt ở đâu là gì? Đó là phiên bản Basic có nhiều pin hơn, trọng lượng nhẹ hơn nhưng không có codec Bluetooth LHDC và cũng không có chức năng khử ồn. Tất nhiên, điều này hoàn toàn phù hợp giá trị của nó. Vậy thì trải nghiệm với Mi True Wireless Earphones 2 Basic sẽ như thế nào? Đó là những gì mà bạn sẽ tìm thấy trong bài viết này. Cùng Websosanh đi tìm hiểu nhé!
Xiaomi Mi True Wireless Earphones 2 Basic có thiết kế hợp thời, nhưng cảm giác rẻ tiền từ trong ra ngoài
Đầu tiên chúng ta hãy nói về thiết kế, nhưng trước đó mình cần phải làm rõ một điều: đây là tai nghe giá rẻ. Tổng thể tai nghe và hộp đựng có trọng lượng nhẹ, lần lượt là 4,7 gram (mỗi bên) và 39 gram. Chúng được hoàn thiện hoàn toàn bằng nhựa và bạn biết đấy, ở tầm tiền này ta không thể đòi hỏi cao hơn được, cả tai nghe và hộp đựng đều mang lại cảm giác rẻ tiền, không chắc chắn.
Nhưng trái ngược với ngoại hình rẻ tiền, cảm giác sử dụng Mi True Wireless Earphones 2 Basic thật tốt. Khi đeo khá nhẹ và hầu như không tạo cảm giác khó chịu nào.
Tai nghe vẫn giữ nguyên tính thẩm mỹ đậm chất ‘Airpods’, thực tế nói như vậy cũng không phải, vì bây giờ thiết kế này đã trở nên phổ biến, điều đáng nói là nó không khác gì người đàn anh Mi True Wireless Earphones 2 cả. Chúng bao gồm phần cuống cảm ứng và hai micro (một trên một dưới), đèn LED nhấp nháy khi kết nối. Ở bên trong là chân sạc Pogo và driver.
Mặc dù có kiểu dáng giống như earbuds (kiểu nằm ngoài ống tai) nhưng thực tế Mi True Wireless Earphones 2 Basic lại giống kiểu in-ear hơn, cần phải nhét sâu vào ống tai. Song do nó không có đầu đệm cao su nào nên khi nhét vào ống tai cảm giác hơi lạ, khả năng cách âm cũng không tốt. Được cái là đeo rất thoải mái, gần như không tạo áp lực nào lên tai và dùng trong nhiều giờ cũng được. Phần cuống bằng nhựa được đánh bóng khá mịn nhưng vẫn không xua được cảm giác rẻ tiền.
Chuyển sang hộp đựng, cái cảm giác rẻ tiền toát lên rõ mồn một từ nó. Hộp hình vuông với các góc bo cong nhẹ nhàng, lực đóng nam châm vừa đủ để nắp không bị bung ra khi bị xóc nảy. Phía sau hộp là cổng sạc USB-C (điểm sáng đáng ghi nhận nhất) và ở phía trước có một đèn LED màu trắng sẽ nhấp nháy khi pin yếu hoặc khi tai nghe đang ghép nối. Nó không có tính năng gì nhiều, đơn giản chỉ là để sạc.
Trải nghiệm thực tế tai nghe Mi True Wireless Earphones 2 Basic
Chuyển sang phần quan trọng nhất, tai nghe này có thể cung cấp cho ta những gì?
Thông thường, hầu hết tai nghe ở tầm giá này đều đã có ứng dụng đi kèm để người dùng cá nhân hóa tai nghe tốt hơn, cập nhật phần mềm mới, chỉnh EQ hoặc thay đổi thao tác điều khiển. Nhưng mà Mi True Wireless Earphones 2 Basic không có mặc dù Xiaomi có hẳn một ứng dụng tên là Mi Home để kết nối bất kỳ thiết bị nào của hãng. Nếu bạn nghĩ Xiaomi ‘đem con bỏ chợ’ thì cũng có thể cho là như vậy.
Vậy rốt cuộc ta sẽ có những gì? Thực tế là không có gì cả, tai nghe này thuộc dạng plug-and-play, nghĩ là bạn nhấc nó ra khỏi hộp đựng và sử dụng, vậy thôi không có gì cả.
Chuyển sang cảm ứng ở phần cuống, nó hoạt động khá nhạy, cơ chế điều khiển như sau:
- Chạm 2 lần để trả lời khi có cuộc gọi đến, và chạm 2 lần nữa để ngắt cuộc gọi.
- Khi đang nghe nhạc, chạm 2 lần ở tai trái để pause/play
- Chạm 2 lần vào tai phải để bật trợ lý giọng nói trên điện thoại
Nhìn chung cảm ứng của Mi True Wireless Earphones 2 Basic hoạt động bình thường, ít có sự cố nhưng hơi thiếu cử chỉ.
Chất lượng âm thanh của Mi True Wireless Earphones 2 Basic như thế nào?
Tạm dẹp thiết kế và trải nghiệm sang một bên, chúng ta sẽ đến với mục quan trọng nhất của một cặp tai nghe, chất âm.
Nói cho đơn giản thì Mi True Wireless Earphones 2 Basic là tai nghe dành cho đối tượng người dùng phổ thông, âm thanh khá phẳng và cảm giác lượng của nó chưa đủ nhiều. Tai nghe thiếu sự đột phá trong các bài hát nhiều trầm và cũng thiếu sự thể hiện ở âm cao. Nói cách khác, nhiều sắc thái của bài hát sẽ bị Mi True Wireless Earphones 2 Basic ‘nuốt’ mất.
Âm lượng cũng là một vấn đề nhỏ. Nếu nghe ở mức 50% thì quá nhỏ, sử dụng ở nơi đông người gần thì tiếng trong tiếng ngoài lẫn lộn khá khó chịu. Tăng lên 70% là tốt nhất, sử dụng vừa đủ. Còn tăng lên cao hơn 70% thì bắt đầu cảm thấy hơi chói tai rồi.
Như đã nói, phần đầu tai nghe không có lớp cao su nào nên khả năng cách âm rất kém. Về cơ bản nếu bạn sử dụng ở trong văn phòng, hoặc trong phòng riêng ít tiếng ồn thì không sao, nhưng dùng ở nơi đông người thì dù thế nào nó cũng là một cực hình đối với tai của bạn. Điều này thể hiện rõ ghi gọi điện thoại, cả bạn và người ở đầu dây bên kia đều phải tập trung hết mức mới nghe rõ được lời nói của nhau, và âm lượng của bạn lúc này cũng phải tăng lên 70% mới được.
Tóm lại, với Mi True Wireless Earphones 2 Basic, ta sẽ có một cặp tai nghe true wireless chất lượng âm thanh ‘cơ bản’.
Thời lượng pin trung bình
Khi nói đến pin của tai nghe true wireless, ta sẽ xem xét hai điều: pin của tai nghe và pin của hộp đựng. Trong trường hợp này, Xiaomi đảm bảo rằng chúng ta có được 5 giờ sử dụng với tai nghe, nhưng con số này còn phụ thuộc vào một số yếu tố nữa, chẳng hạn như âm lượng. Với mức âm lượng 70%, ta sẽ có khoảng 4,5 giờ sử dụng, điều này không tệ. Hộp đựng có dung lượng 410 mAh, có thể sạc thêm cho tai nghe khoảng 3 lần. Tổng cộng ta sẽ có khoảng 18 giờ sử dụng, mức trung bình, không cao cũng không thấp.
Có nên mua tai nghe Xiaomi Mi True Wireless Earphones 2 Basic không?
Đúng như cái tên của nó, Mi True Wireless Earphones 2 Basic rất chi là ‘basic’, nó mang đến cảm giác rẻ tiền từ trong ra ngoài, không có âm thanh vượt trội hay thiết kế trông cao cấp. Với những người dễ tính, không đòi hỏi nhiều, chỉ cần đó là tai nghe true wireless thì tai nghe Xiaomi này sẽ là điểm xuất phát tốt để thử. Nhưng nếu bạn cần thứ âm thanh tinh tế hơn, hoặc ‘xôi thịt’ hơn thì nên tìm kiếm các lựa chọn khác ở tầm giá cao hơn một chút.