Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
LG G2 mini (phải) và LG G3 S (trái)
LG G2 mini
Ưu điểm:
– Thời lượng pin tốt
– Có thiết kế đẹp
– Có thể mở rộng bộ nhớ bằng thẻ microSD
Nhược điểm:
– Độ phân giải màn hình thấp
– Vẫn còn khá đắt so với chất lượng
– Một vài phần mềm chưa thực sự hữu ích
LG G3 S (hay còn gọi là LG G3 mini)
Ưu điểm:
– Thời lượng pin ấn tượng
– Tạo cảm giác khá thoải mái trên tay, viền màn hình mỏng
– Hiệu năng mượt mà
Nhược điểm:
– Camera chưa thực sự tốt
– Không hỗ trợ cảm biến ánh sáng
So sánh về thiết kế
Mặc dù có thiết kế nhỏ hơn so với LG G2, nhưng chiếc LG G2 mini như đã nói, vẫn có kích thước lớn hơn khá nhiều so với các mẫu smartphone mini khác. Không chỉ nhỏ hơn LG G2, chiếc G2 mini còn dày hơn trông thấy với 9.8mm so với chỉ 8.9mm trên người tiền nhiệm.
Thế nhưng LG G2 mini vẫn không hề tạo cảm giác bị dày khi cầm trên tay. Mặt khác, chiếc smartphone này lại tỏ ra rất thoải mái, cùng với kết cấu vỏ nhựa nhưng trông khá bóng bẩy, chẳng thua gì một lớp vỏ bằng kim loại cao cấp cả.
LG G2 mini tỏ ra khá cân đối khi cầm trên tay
Còn với LG G3 mini (hay còn gọi là LG G3 S), mặc dù nó là một thiết bị tầm trung nhưng thiết kế của nó lại không hề toát lên vẻ rẻ tiền chút nào. Về cơ bản, chiếc smartphone này kế thừa toàn bộ thiết kế của LG G3, ngoại trừ kích cỡ. Và mặc dù chỉ có vỏ nhựa, nhưng hiệu ứng sáng bóng như kim loại làm cho vẻ sang trọng của LG G3 S không hề bị giảm đi.
Với độ dày 10.9mm, có lẽ LG G3 S trông sẽ mập mập hơn một chút so với người tiền nhiệm của nó, thế nhưng khi kết hợp với kích thước hợp lý và trọng lượng chỉ có 134g, chiếc smartphone này cũng tạo một cảm giác rất thoải mái khi cầm trên tay.
Về thiết kế mà nói, có lẽ người dùng sẽ không nhận thấy nhiều điểm khác giữa 2 chiếc G2 mini và G3 mini, ngoại trừ một vài vị trí của bộ cảm biến có trên G3 mini, còn G2 mini thì không.
So sánh về màn hình
Về khả năng hiển thị, chiếc LG G2 mini tỏ ra hơi đáng thất vọng, giống như một chiếc smartphone cùng phân khúc khác là Galaxy S4 mini.
Mặc dù thừa hưởng nhiều tính năng của siêu phẩm G2, chiếc smartphone màn hình bé này có một độ phân giải khá nghèo nàn 960 x 540, giảm từ màn hình full HD 1080p trên chiếc LG G2, và thậm chí thua cả so với các mẫu smartphone tầm trung khác với độ phân giải 1280 x 720 pixel là HTC One mini và chiếc Moto G.
LG G2 mini có chất lượng màn hình khá tệ bởi độ phân giải thấp
Với vai trò là phiên bản kế nhiệm, đương nhiên LG G3 S sẽ được trang bị màn hình cũng như các phần cứng tốt hơn LG G2 mini. Thế nhưng không quá ấn tượng, chiếc LG G3 S chỉ được hỗ trợ màn hình độ phân giải full HD 1280 x 720 giống như các mẫu tầm trung khác như Moto G hay S5 mini. Tuy nhiên với một màn hình kích thước lớn, đồng nghĩa với việc hình ảnh trên LG G3 S sẽ bị mờ đi đôi chút.
Mặc dù vậy, chất lượng hiển thị trên LG G3 S vẫn được đánh giá là khá tốt, với độ trung thực màu sắc cao, và một góc nhìn khá rộng. Thế nhưng chiếc smartphone này lại thiếu đi một chi tiết khá quan trọng, đó là bộ cảm biến ánh sáng.
LG G3 S có khả năng hiển thị tương đương với các mẫu smartphone tầm trung tốt nhất hiện nay
So sánh về cấu hình và hiệu năng
Ở mặt phần cứng, mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng khá ngạc nhiên khi mà LG G3 S không có nhiều thay đổi so với người tiền nhiệm G2 mini của nó. Cả 2 thiết bị cùng sở hữu chip quad-core ARM Cortex-A7 1200MHz, chip đồ họa Adreno 305 cùng 1GB RAM. Một điểm chung nữa đó là cả 2 phiên bản này đều có bộ nhớ trong 8GB.
Điểm khác nhau gần như duy nhất đó là trong khi LG G2 mini có pin dung lượng 2440 mAh – vốn đã rất ấn tượng, thì người kế nhiệm G3 mini của nó có pin lên tới2540 mAh, ngang tầm với các thiết bị cao cấp hiện nay. Cả 2 thiết bị đều có thời lượng sử dụng ấn tượng.
Kết luận
Mặc dù sinh sau đẻ muộn, nhưng chiếc LG G3 mini lại không có nhiều điểm nổi bật hơn so với người tiền nhiệm của nó, đặc biệt là khi so sánh về hiệu năng. Liệu những cải tiến về thiết kế, màn hình có xứng với số tiền cỡ 2.5 triệu đồng chênh lệch giữa 2 phiên bản này hay không? Tất cả là do bạn quyết định