Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
iPhone 6 Plus
Ưu điểm:
– Màn hình cảm ứng kích thước lớn (5,5 inch)
– Pin có thời lượng sử dụng ấn tượng
– Camera được tích hợp hệ thống chống rung
– Hiệu năng mạnh mẽ và ổn định
Nhược điểm:
– Kích thước lớn hơn so với các đối thủ cùng phân khúc
– Giá thành đắt
LG G Flex
Ưu điểm:
– Bộ xử lý ở mức khá
– Nhiều công nghệ hấp dẫn đi kèm
– Ảnh chụp ngoài trời cho chất lượng khá tốt
Nhược điểm:
– Giá vẫn còn khá đắt
– Màn hình cảm ứng gặp nhiều vấn đề trong quá trình sử dụng
Mang nhiều nét đột phá, tiêu biểu là kích thước màn hình nhưng liệu iPhone 6 Plus có xứng đáng với những người tìm kiếm sự mới lạ với một giá thành quá đắt khi so sánh với một smartphone khác là LG G Flex không? Cùng chúng tôi đến với bài so sánh dưới đây để biết thêm chi tiết nhé.
So sánh về thiết kế
Kích thước lớn gây ngỡ ngàng đối với một chiếc iPhone
Về kích thước, chiếc iPhone 6 Plus trông lớn hơn so với các mẫu smartphone với màn hình 5.5 inch khác như LG G3, và đương nhiên là chênh lệch khá nhiều so với chiếc Moto X trong bàn cân so sánh.
Apple vẫn sử dụng nguyên xi thiết kế trên phiên bản iPhone 6 để áp dụng lên chiếc 6 Plus, khiến cho nó trông hơi bị quá khổ, chủ yếu là đến từ những lớp viền xung quanh thân máy. Đặc biệt là hai lớp viền ở phía trên và phía dưới cạnh máy trông dày hơn nhiều so với thực tế.
Tuy nhiên nhờ có một độ mỏng ấn tượng (chỉ 7.1 mm) và trọng lượng nhẹ (172g), iPhone 6 Plus về cơ bản vẫn cân đối. Thiết kế của máy tuy thay đổi khá nhiều so với những người tiền nhiệm trước đây, nhưng nhìn chung vẫn giữ được những nét cao cấp, sang trọng với một sự pha trộn hài hòa giữa lớp vỏ nhôm sáng và kính cường lực ở mặt sau.
Trên thực tế, có không nhiều những tính năng lạ hay độc đáo bên trong LG G Flex, tuy nhiên người dùng ắt hẳn vẫn sẽ còn nhắc tới chiếc smartphone này nhờ vào kiểu thiết kế có một không hai: màn hình cong và có thể co dãn được.
Giống như trên chiếc LG G2, hay LG G3, thì LG G Flex cũng có các vị trí nút cứng được bố trí hoàn toàn ở mặt sau của nó, giúp cho người dùng dễ dàng sử dụng với ngón trỏ hoặc ngón giữa đỡ phía sau khi cầm máy. Thiết kế này tỏ ra đặc biệt hiệu quả với những chiếc smartphone có kích thước màn hình lớn hơn 5″, khi mà người dùng thường xuyên gặp khó khăn khi nhấn các nút cứng ở hai cạnh bên với bàn tay bị kéo dãn hết mức.
Các bộ phân bên trong máy, bao gồm cả cục pin đều được làm theo kiểu dáng cong phù hợp với thiết kế độc đáo của G Flex. Nếu nhìn kỹ, có thể thấy rằng LG đã rất khôn khéo khi để dành một vài khoảng trống quan trọng bên trong thân máy bởi mỗi khi “bẻ cong” thì các bộ phận sẽ cần một khoảng không gian nhất định để duỗi ra.
So sánh về màn hình và khả năng hiển thị
Trở lại một chút với quá khứ, khi mà các mẫu iPhone của Apple thường bị đánh giá thấp ở cả kích thước, lẫn độ phân giải màn hình so với các đối thủ smartphone chạy nền tảng Android, các tín đồ của Táo vẫn mong muốn rằng các thiết bị tương lai sẽ cải thiện được điểm yếu này.
Và giờ đây trên iPhone 6 Plus, chúng ta không cần phải ước nữa, khi mà Apple đã trang bị cho siêu phẩm của mình một độ phân giải full HD ấn tượng 1920 x 1080 pixel cùng mật độ điểm ảnh 401 ppi. Đây cũng là công nghệ được Apple gọi là “Retina”, vốn đã áp dụng trên các mẫu máy tính bảng cao cấp dòng iPad Air của hãng.
Tuy nhiên nói về chất lượng hiển thị, iPhone 6 Plus vẫn đứng sau một số siêu phẩm cao cấp chạy nền tảng Android, điển hình như Samsung Galaxh Note 4 hay LG G3 với màn hình QHD độ phân giải 2560 x 1440 cùng mật độ điểm ảnh đều trên 500ppi
iPhone 6 Plus đặt cạnh Samsung Galaxy Note 4
Tuy nhiên sự chênh lệch đó, dù nghe có vẻ rất lớn, nhưng trên thực tế thì không hẳn vậy. Người dùng chắc chắn sẽ không nhận ra được nhiều sự khác biệt về pixel màn hình khi nó đạt đến một điểm gọi là bão hòa. Trên thực tế một chiếc màn hình trung bình với độ phân giải HD cũng không khác gì nhiều so với một màn hình lớn với độ phân giải 2k Quad-HD, mặc dù trên giấy tờ chúng khác nhau rất nhiều.
Như đã nói bên trên, điểm nhấn đáng chú ý nhất của LG G Flex chắc chắn là thiết kế uốn cong cùng màn hình cảm ứng có thể co dãn độc đáo. Để tạo ra được tính năng này, LG đã sử dụng tới một vài yếu tố, và một trong số đó phải kể tới loại màn hình cảm ứng P-OLED trên chiếc G Flex này.
Điểm khác nhau cốt lõi của màn hình P-OLED khi so sánh với các mẫu màn hình OLED phổ biến hiện nay như chiếc Samsung Galaxy S5, đó là nó sử dụng nguồn sáng thẳng của từng điểm ảnh, thay vì phản chiếu hai chiều để phù hợp với độ cong của màn hình.
Bên cạnh đó, màn hình trên LG G Flex còn được cấu thành từ nhựa dẻo plastic, thay vì gương kính như thông thường giúp nó có thể dễ dàng bẻ cong, rồi trở lại trạng thái ban đầu một cách dễ dàng.
Lý giải do các lý do để cấu thành một chiếc smartphone màn hình cong, LG cho biết với thiết kế này, người dùng khi sử dụng LG G Flex sẽ có một góc nhìn rộng hơn rất nhiều so với hàng loạt mẫu smartphone, thậm chí là cả tablet trong cùng kích cỡ và cũng phần nào giúp tăng cường chiều sâu của hình ảnh hiển thị nhờ công nghệ IMAX.
Tuy nhiên mặc dù sở hữu màn hình cảm ứng 6″ ngoại cỡ cùng góc nhìn rộng, nhưng khả năng hiển thị cũng như chất lượng hình ảnh trên LG G Flex cũng không thật sự được đánh giá cao. Nguyên do chủ yếu dẫn tới chất lượng hiển thị không được “trong” và rõ nét trên chiếc G Flex chính là bởi màn hình nhựa plastic của nó.
Và mặc dù sở hữu màn hình OLED tân tiến, thế nhưng do chiếc smartphone này chỉ hỗ trợ độ phân giải tối đa là HD 720p và phải dàn trải ra một kích thước màn hình rất lớn (6 inch) nên mật độ điểm ảnh trên thực tế cũng rất thấp với chỉ 245ppi, khiến cho hình ảnh đôi khi bị thiếu đi độ rõ nét cần thiết, cũng như độ chân thực màu sắc.
Nhận định
Như vậy thì nhìn chung không quá màu mè với các tính năng như LG G Flex, iPhone 6 Plus quả là xứng đáng với giá tiền mà người tiêu dùng bỏ ra để sở hữu nó, với một hiệu năng ổn định và khả năng hiển thị ấn tượng.
Tuy nhiên rào cản về giá thành vẫn là một thử thách quá lớn đối với những dân chơi công nghệ không có túi tiền rủng rỉnh. Do vậy, ở mức giá dưới 8 triệu đồng, có lẽ LG G Flex vẫn là một sản phẩm nặng ký hơn đối với những người đang đi tìm nét đột phá về công nghệ.