Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Điện thoại Simon được phát triển bởi hãng IBM và công ty sản xuất di động BellSouth của Mỹ. IBM giải thích rằng thiết bị này có tên Simon bởi nó rất đơn giản và có thể làm hầu hết mọi việc mà người sử dụng muốn thực hiện. Charlotte Connelly, nhân viên tại Bảo tàng Khoa học London, cho biết ý tưởng này xuất phát từ một trò chơi có tên “Simon says”.
So với những smartphone hiện đại ngày nay, Simon chỉ như một chiếc điện thoại cơ bản. Nhưng ở thời điểm năm 1994, đó là một sản phẩm đi trước thời đại. Simon, với màn hình LCD màu xanh, gây ấn tượng mạnh bởi công nghệ màn hình cảm ứng sử dụng bút stylus.
Phần mềm của thiết bị cho phép người dùng ghi chép, vẽ, cập nhật lịch làm việc và danh sách liên lạc, gửi và nhận fax, và dĩ nhiên là cả gọi điện thoại. Simon thậm chí còn có một thẻ nhớ để cài đặt các phần mềm của bên thứ ba, nơi khởi nguồn của những ứng dụng (app) ngày nay.
Nhưng với kích thước chiều dài lên tới 23 cm, Simon trông khá giống với một viên gạch xây nhà có ăng ten bắt sóng. Pin của nó chỉ có thời lượng là một giờ gọi liên tục, và khối lượng lên tới gần 500g.
Mặc dù vậy Simon vẫn là một cuộc cách mạng ở thời điểm đó: sự kết hợp lần đầu tiên giữa một thiết bị kỹ thuật số cá nhân (PDA) và điện thoại di động. “Simon là sản phẩm đầu tiên tích hợp được hai công nghệ này vào cùng một thiết bị. Nó có thể làm mọi công việc của một PDA và đồng thời có khả năng fax, email, mặc dù nó cần phải được kết nối với một chiếc máy tính để thực hiện những chức năng đó. Đó là lý do chúng ta gọi Simon là chiếc smartphone đầu tiên, mặc dù thuật ngữ này phải rất lâu sau mới xuất hiện. Simon có mọi yếu tố của một chiếc smartphone, thậm chí còn có cả một khe cắm thẻ nhớ để cài đặt các ứng dụng như bản đồ hay game”, Connelly nói.
Chỉ được bán tại thị trường Mỹ, giá ban đầu của chiếc điện thoại này là 899 USD (khoảng 20 triệu VND). Gần 50.000 chiếc điện thoại Simon đã được bán ra, chủ yếu là dành cho các khách hàng là doanh nhân. Nhưng Simon không tồn tại lâu, bởi nó đi trước thời đại quá xa. “Simon đã không tạo nên một cơn sốt trên thị trường. Sản phầm này chỉ được bán tại Mỹ và chỉ được quảng cáo tại thị trường này. Smartphone vẫn còn là một khái niệm rất mới mẻ vào thời điểm đó và không phải là thứ mà tất cả mọi người muốn mua”, Connelly nhận định. Giá của Simon đã giảm xuống chỉ còn 599 USD (gần 13 triệu VND) sau sáu tháng trước khi rút lui hoàn toàn khỏi thị trường.
“Lý do đầu tiên là nó quá đắt”, Connelly lý giải thất bại của Simon, “thứ hai là pin chỉ có thời lượng là một giờ gọi, và thứ ba là thời đó chưa có Internet dành cho di động. Simon đã có tất cả những yếu tố cơ bản cần thiết, nhưng thực lòng mà nói tôi cũng sẽ không mang nó theo mình. Bạn có thể thấy những tiềm năng ở chiếc điện thoại này nhưng chúng chưa thực sự được phát huy. Tuy nhiên đây vẫn là một ý tưởng rất sáng tạo”.
Theo Vnreview/Dailymail