Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Thiết kế
So với phiên bản đầu tiên cách đây 5 năm thì laptop Blade đã có rất nhiều thay đổi. Năm ngoái, thiết kế của nó bo cong tròn tròn trông giống Macbook còn năm nay thì trông rắn rỏi hơn, vuông vức trông giống một chiếc hộp. Mặt trên được sơn phủ nhám và chỉ có duy nhất logo của hãng trên đó, sử dụng trong đêm tối thì hiêu ứng thị giác cực kỳ đẹp.
Về chất lượng build, mình cảm nhận được sự chắc chắn của Blade 15 ngay khi mới cầm vào nó. Độ hoàn thiện phải nói là cực tốt, lớp vỏ nhôm dày bản rất cứng cáp. Cũng bởi vì có lớp vỏ cứng nên độ dày của Blade 15 bị đội lên thành 17mm, tuy nhiên với một chiếc laptop gaming thì mình nghĩ không nhất thiết phải mỏng quá làm gì.
Màn hình
Ở phiên bản Full HD, Blade 15 có tần số quét rất cao 144Hz, mang lại trải nghiệm gaming nhanh hơn, mượt hơn, ngay cả việc đọc báo và lướt web cũng ‘nuột’ hơn nhiều. Ngoài ra, nó còn có tùy chọn 4K 60Hz hướng đến đối tượng là những người làm sáng tạo chuyên nghiệp. Tuy nhiên theo cá nhân mình thì tùy chọn này không cần thiết lắm, chơi game thì Full HD 144Hz đã quá tốt rồi.
Bàn phím – Touchpad
Bàn phím của Blade 15 được bao bọc bởi hai dãy loa rộng hai bên. Các phím cho cảm giác bấm chắc chắc, độ nảy tốt, không có dấu hiệu flex khi gõ và cũng ít ồn. Razer cũng trang bị cho nó đèn nền RGB với nhiều hiệu ứng đẹp mắt.
Touchpad của nó có kích thước lớn, bề mặt được làm nhẵn mịn cho cảm gác rê vuốt thoải mái và chính xác, hỗ trợ đa điểm rất trơn tru và mượt mà. Tuy nhiên kích thước lớn này đôi khi cũng khá phiền khi đánh máy.
Cổng kết nối
Máy được trang bị gần như đầy đủ các cổng kết nối mà bạn cần: 3 cổng USB – A, jack 3.5 mm, MiniDisplayport, HDMI và cả Thunderbolt 3 để có thể kết nối qua eGPU. Với số cổng kết nối này, Blade 15 có thể xuất hình ảnh ra tối đa 3 mà hình. Đáng tiếc là nó không có khe đọc thẻ SD cũng như Ethernet. Theo mình thì một chiếc laptop chơi game nên có cổng Ethernet để có đường truyền ổn định hơn.
Cấu hình – Hiệu năng
Chiếc máy được mình dùng để đánh giá chạy cấu hình Core i7 8750H 6 nhân 12 luồng, tốc độ 2.2-4.1Ghz, RAM 16GB DDR4 bus 2666MHz, card đồ họa rời Nvidia GeForce GTX 1070 Max-Q, SSD 512GB. Với cấu hình này thì chưa cần đánh giá chi tiết mình cũng cảm nhận được sự mạnh mẽ của Blade 15 rồi. Tuy nhiên mình vẫn sẽ đề cập một chút đến card đồ họa của nó. Thường thì laptop có kích cỡ thế này chỉ sử dụng tối đa 1060 Max-Q hoặc GTX 1050Ti nhưng Blade 15 được trang bị phiên bản cao hơn, có thể nói đây là một sự cố gắng rất đáng chú ý của Razer khi tạo ra một chiếc laptop mỏng nhẹ có cấu hình ‘quái vật’, kết hợp với màn hình 144Hz, chiếc máy này sẽ đem lại cho bạn trải nghiệm chơi game và hình ảnh đã nhất.
Tất nhiên, vì nó hỗ trợ chơi game cực tốt nên mức nhiệt tản ra cũng sẽ nhiều. Tuy nhiên qua quá trình sử dụng mình thấy mức nhiệt 80 cho GPU và 90 cho CPU hoàn toàn không phải vấn đề to tát, mức FPS không bị ảnh hưởng nhiều và không có tình trạng sụt giảm đột ngột. Đây là một điểm rất đáng khen của Blade 15 và các game thủ chắc chắn sẽ yêu thích điểm này.
Thời lượng pin
Blade 15 sử dụng viên pin cỡ lớn có dung lượng rất cao 80Whr, cho thời gian sử dụng khoảng 5 tiếng rưỡi với các tác vụ thông thường, nếu tối ưu một chút, không sử dụng đèn nền và độ sáng màn hình 50% thì có thể kéo dài đến 7 tiếng.
Đánh giá chung
Với mức giá khoảng 50 triệu đồng, Razer Blade 15 2018 chắc chắn sẽ chỉ là mơ ước của nhiều game thủ, mặc dù độ chất và cấu hình của nó có tuyệt vời đến đâu thì rào cản kinh tế vẫn là quá lớn. Chưa hết, nếu có trong tay chừng ấy tiền thì Razer Blade 15 2018 cũng chưa hẳn sẽ là lựa chọn tốt nhất, ở tầm giá 40 triệu bạn cũng đã có thể sở hữu chiếc Asus Zephyrus S cũng có màn hình 144Hz, card đồ họa GTX 1070 rồi. Vậy nên theo kiến nghị của mình thì bạn chỉ nên mua Blade 15 nếu là fan trung thành của thương hiệu Razer, không phải lo nghĩ về tiền bạc, còn không thì nên cân nhắc những sản phẩm mức giá thấp hơn mà hiệu năng tương tự.