Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
1. Thiết kế bền bỉ, chắc chắn của Dell Precision 7760
Ngoại hình của Dell Precision 7760 không có nhiều thay đổi so với các thế hệ trước đó. Ta vẫn có vỏ máy được làm từ hợp kim nhôm cao cấp với các họa tiết phay xước ở mặt lưng và khu vực bàn phím có màu đen mờ. Sự kết hợp giữa hai tông màu bạc – đen mang lại nét sang trọng và tinh tế cho chiếc máy này. Logo Dell được mạ crom sáng bóng nằm chính giữa mặt lưng tôn lên vẻ thanh lịch, các góc cạnh được cắt CNC tinh xảo và được bo tròn nhẹ nhàng, tạo thêm một chút mềm mại.
Bản lề của máy được thiết kế rất chắc chắn để trong quá trình sử dụng dù người dùng có thói quen đóng mở nhiều lần cũng không gặp vấn đề gì. Khả năng cố định góc của bản lề cũng rất tốt, hạn chế rung lắc và người dùng có thể mở rộng tối đa 150 độ. Tuy nhiên cũng vì nó quá chắc nên người dùng sẽ cần mở máy bằng cả hai tay.
Với trọng lượng khoảng 3,01kg và kích thước 25.98 x 28.60 x 400 mm, Precision 7760 gọn nhẹ hơn nhiều model máy trạm 17,3 inch khác nên tính linh hoạt cao hơn, người dùng có thể mang máy di chuyển qua lại từ nhà tới chỗ làm mà không nhất thiết phải cố định một chỗ.
Cũng để người dùng thêm yên tâm khi mang máy di chuyển thì Dell Precision 7760 cũng đã đạt được chứng nhận độ bền MIL-STD-810H, có thể chịu được các điều kiện khắc nghiệt và một vài va đập nhẹ không hề ảnh hưởng tới chất lượng của máy.
Số lượng cổng giao tiếp trên máy đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng. Nó có tới ba cổng USB-A 3.2 Gen 1, hai cổng USB-C hỗ trợ Thunderbolt 4, một cổng HDMI 2.1, một cổng Mini DisplayPort, khe cắm thẻ nhớ SD, cổng LAN và jack tai nghe 3.5 mm. Các cổng được bố trí nằm ở hai cạnh và phía sau một cách hợp lý để người dùng thuận tiện cho việc setup góc làm việc.
Về kết nối không dây, máy sử dụng WiFi 6 (802.11ax) và Bluetooth 5.2, cho phép bạn truy cập wifi nhanh chóng, ổn định hơn nhiều lần so với WiFi 5 đồng thời có sóng Bluetooth rất khỏe để không bị ngắt kết nối giữa chừng với thiết bị không dây dù ở nơi đông người.
2. Màn hình rộng rãi, độ sáng cao
Dell Precision 7760 có màn hình 17,3 inch độ phân giải cơ bản Full HD (1920 x 1080 pixel), tần số quét 60Hz, viền mỏng hai bên và tỷ lệ khung hình 16:10 cho không gian hiển thị rộng rãi, xem được nhiều nội dung và đa nhiệm nhiều ứng dụng hơn, đây là những thông số cơ bản cần có đối với một thiết bị chuyên dùng để thiết kế. Bên cạnh đó thì nó cũng có thêm tùy chọn màn 4K UHD 120Hz cho những ai có nhu cầu đặc biệt cao về độ chi tiết.
Tuy nhiên, thứ mà bạn cần quan tâm nhất chính là màu, vì Dell Precision 7760 có tới 3 tấm nền với 3 độ sai màu khác nhau:
- Loại thứ nhất là FHD chỉ có 45% NTSC, độ sáng 220 nits cho khả năng hiển thị trung bình, phù hợp với nhu cầu thiết kế cơ bản.
- Loại thứ hai là FHD IPS với DCI-P3 100%, độ sáng 500 nits, thích hợp với nhu cầu thiết kế chuyên sâu hơn một chút.
- Loai thứ ba là màn 4K UHD IPS có 100% Adobe RGB, độ sáng 500 nits, HDR400, dành cho nhu cầu thiết kế chuyên nghiệp.
Ở viền trên của màn ta có một camera 720p. Camera này tích hợp nhận dạng khuôn mặt để người dùng đăng nhập nhanh chóng thông qua Windows Hello, đồng thời sẽ gia tăng độ bảo mật. Cụ thể, khi không có khuôn mặt của bạn trong phạm vi quét, máy sẽ tự động khóa lại để bảo vệ thông tin, dữ liệu.
3. Bàn phím – Touchpad
Bàn phím của Dell Precision 7760 là loại chiclet phổ biến, hành trình phím sâu tạo sự êm ái khi gõ. Bề mặt keycap được thiết kế mịn, hơi lõm nhẹ ôm ngón tay để gõ chính xác hơn. Quan trọng là bàn phím này có đèn nền 3 mức độ, thuận tiện để sử dụng trong điều kiện thiếu sáng.
Khu vực bàn di chuột có diện tích hơi nhỏ so với các mẫu laptop văn phòng, hơi lệch về bên trái. Về cơ bản touchpad này cho trải nghiệm mượt mà, không bị rít tay, phản hồi nhạy với từng cú chạm và thao tác đa cử chỉ chính xác.
4. Cấu hình và hiệu suất của Dell Precision 7760
Model được Websosanh.vn dùng để đánh giá trong bài viết này sở hữu cấu hình Intel Core i7-11850H, RAM 16GB, SSD 512GB M.2 PCIe. Thông số này cung cấp hiệu suất khá mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu thiết kế đồ họa tầm trung. Đối với các công việc văn phòng, bạn có thể thoải mái chia đôi màn hình, mở hàng chục tab Chrome và xem video Youtube cùng lúc mà không hề có hiện tượng lag giật hay delay nào cả.
Quan trọng nhất vẫn là khả năng xử lý đồ họa. Model này được trang bị card Nvidia RTX A3000 có khả năng xử lý các tác vụ chuyên nghiệp như thiết kế 3D, render video, có thể hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn để tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa công việc. Đồng thời, tuy không phải dòng card được tối ưu cho việc chơi game nhưng RTX A3000 vẫn cho phép Dell Precision chiến được hầu hết các tựa game AAA hiện nay với tốc độ khung hình cao, các game online phổ biến như Liên Minh Huyền Thoại, PUBG, Valorant, CS:GO, DotA 2, Genshin Impact thì càng không phải nói, mượt không tì vết.
5. Tản nhiệt và pin
Hiệu suất cao là thế nhưng Dell Precision 7760 luôn trong trạng thái mát mẻ nhờ có hệ thống tản nhiệt tốt. Dùng máy để xem video Full HD full-screen trong khoảng 15 phút, máy nóng lên chỉ khoảng 35 độ C. Khu vực trung tâm bàn phím và touchpad cũng không quá nóng, lần lượt là 33 và 26 độ C. Điểm nóng nhất nằm ở góc dưới màn hình nhưng cũng chỉ khoảng 40 độ C mà thôi. Đối với một chiếc máy trạm siêu khủng như 7760 thì nhiệt độ này chỉ có thể coi là bình thường.
Về pin, chiếc máy này có hai loại là 6 cell 68Wh và 95Wh nhưng thành thật mà nói nó không mang nhiều ý nghĩa bởi chúng ta lúc nào cũng phải cắm sạc thì máy mới chạy hết công suất được.
Tạm kết
Ra mắt trong nửa cuối năm 2021 nhưng đến hiện tại, Dell Precision 7760 vẫn là chiếc laptop đồ họa được nhiều người săn đón. Nó thừa hưởng những ưu điểm tốt nhất từ thế hệ tiền nhiệm và không ngừng cải thiện để trở nên hoàn hảo hơn. Điều này đã thu hút được sự quan tâm và đánh giá tích cực từ phía các chuyên gia, người dùng.
Bên đó, khả năng tùy chỉnh cấu hình đa dạng giúp chiếc laptop này phù hợp với designer ở mọi cấp độ khác nhau, và túi tiền khác nhau. Model với cấu hình Intel Core i7-11850H, RAM 16GB, SSD 512GB, RTX A3000 như trong bài viết này có giá khoảng 47,6 triệu đồng ở thời điểm viết bài. Nhưng bạn cũng có thể hạ hoặc nâng cấu hình để phù hợp nhu cầu sử dụng cũng như tầm ngân sách của mình.
Cũng nói thêm một chút, phiên bản Dell Precision 7760 Intel Xeon W11955M, RTX A5000 16GB GDDR6, RAM 128GB, SSD 8TB là cấu hình cao nhất mà chiếc máy trạm này có thể cấu hình, một con ‘quái thú’ thực sự. Dĩ nhiên, giá cho cấu hình cao nhất này không hề rẻ, trên 100 triệu đồng. Nhưng đối với các chuyên gia thiết kế, nó là sự đầu tư hoàn toàn giá trị.