Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Lên Hà Nội, sống ở đâu?
Điều đầu tiên mà hầu hết mọi người đều cảm thấy băn khoăn và bối rối đó là “Em ra chốn đô thành…thì sống ở đâu?”. Ở Hà Nội, nếu bạn không có người thân thì có hai nơi để bạn có thể sống: kí túc xá và nhà trọ. Để có thể ở kí túc xá bạn cần một số điều kiện về gia đình cùng với giấy xác nhận của chính quyền địa phương về một số phương diện.
Bạn có thể ở ký túc xá
Còn nếu không, bạn có thể tìm nhà trọ để sống và học tập. Một số mẹo khi tìm nhà trọ bạn nên biết:
– Thông tin tìm phòng/ nhà trọ: Có nhiều kênh cho bạn tìm kiếm như báo chí, trang mạng, và hiện nay phổ biển là trên facebook. Tuy nhiên, bạn cần yêu cầu ảnh thật của khu nhà trọ nơi bạn sẽ ở trước khi bỏ công ra để “tham quan” nó.
– Tìm hiểu khu vực ở và giá thuê: hầu hết các sinh viên đều muốn có thể ở gần trường để tiện đi lại, tuy nhiên, giá thuê phòng sẽ phụ thuộc vào từng khu vực, bởi vậy mà nếu không có điều kiện thì bạn có thể thuê phòng ở các khu vực xa trung tâm một chút.
– Tìm hiểu về giao thông khu vực nơi bạn định thuê trọ: Việc đi lại cũng rất quan trọng, nên nếu không có xe máy bạn nên tìm chỗ thuê trọ gần bến xe bus. Ngoài ra, cũng nên chú ý xem khu vực đó có hay bị tắc đường, kẹt xe hay không.
Hầu hết sinh viên đều phải thuê nhà trọ
– Vấn đề an ninh: Vấn đề an ninh của khu nhà trọ rất quan trọng. Khi đi xem nhà, hãy tranh thủ hỏi han những người xung quanh về vấn đề trật tự an ninh của khu phố và để ý một chút về cuộc sống sinh hoạt của hàng xóm.
– Chất lượng phòng trọ: Nhiều trường hợp chuyển nhà liên tục bởi chất lượng phòng trọ mà họ thuê không tốt. Bạn nên chọn những nhà trọ đảm bảo không quá nóng vào mùa hè, không quá lạnh vào mùa đông. Khu vực vệ sinh của nhà trọ cũng cần phải an toàn, kín đáo và sạch sẽ, hạn chế sử dụng chung với 4 người trở lên vì như thế sẽ vô cùng bất tiện cho sinh hoạt của bạn sau này.
– Nếu bạn có ý định thuê phòng ở cùng chủ nhà bạn nên chọn chủ nhà có giờ giấc sinh hoạt phù hợp với mình, không quá xét nét đến cuộc sống riêng của bạn. Không dễ để biết chủ nhà có “hợp” với bạn hay không, nhưng hãy để ý qua những lần bạn tiếp xúc, trò chuyện khi đến xem nhà.
– Nếu bạn có ý định thuê phòng trọ không ở cùng chủ nhà thì cần kiểm tra kỹ các thiết bị điện, ống nước cũng như các đồ vật có sẵn trong nhà xem có hư hỏng gì không trước khi bạn nhận phòng thuê để yêu cầu chủ nhà sửa lại và để tránh việc bạn chịu những chi phí hao tổn không phải do mình.
Có được căn phòng như thế này là mơ ước của nhiều sinh viên
– Ngoài ra, nơi ở cần có đủ chỗ để bạn cất xe bên trong hoặc chỗ giữ xe an toàn gần đó. Bạn cũng cần nhờ chủ nhà hoặc hỏi thông tin về việc đăng ký tạm trú, tạm vắng tại nơi bạn ở.
– Điện, nước của phòng trọ: Nhiều chủ nhà “chặt chém” tiền điện nước của sinh viên rất ghê, nhất là sinh viên mới ra Hà Nội học. Tốt nhất là nhà hoặc phòng trọ của bạn nên có đồng hồ điện, nước riêng. Trong trường hợp bạn nghi ngờ có hiện tượng câu trộm điện, nước từ nhà bạn, hãy tắt cầu dao điện và nước và kiểm tra đồng hồ xem có tiếp tục nhảy số hay không. Nếu có tức là bạn đã bị câu trộm, nếu không, bạn cần có kế hoạch sử dụng tiết kiệm hơn, hoặc nhờ nhân viên điện lực hay công ty nước đến kiểm tra đồng hồ cho chắc chắn.
– Đọc kỹ hợp đồng: Các khoản mục cần quan tâm là thông tin người cho thuê và người thuê cần rõ ràng, giá tiền thuê nhà, số tiền đặt cọc, chi phí bồi thường các thiết bị có sẵn nếu hư hỏng, thời gian trả nhà hay kết thúc hợp đồng trước hạn là bao lâu… Cần ghi rõ số tiền đền bù nếu chủ nhà phá bỏ hợp đồng trước thời gian kết thúc hợp đồng.
Nếu bạn có nhu cầu ở ghép thì tốt nhất là nên chọn những người đã quen biết từ trước để ở. Hoặc nếu không thì cũng phải tìm hiểu kỹ càng người mà bạn sẽ ở cùng. Bạn chỉ nên ở ghép đôi, nhiều nhất là ghép ba, không nên ở quá đông, như thế sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt và học tập.
Danh sách các vật dụng thiết yếu mà tân sinh viên cần phải sắm
Để chuẩn bị cho cuộc sống sinh viên kéo dài ít nhất 4 năm với các sinh viên của các đại học khối kinh tế, và 5 năm đối với các sinh viên đại học khối kỹ thuật, 6 năm với các sinh viên các trường y dược thì việc chuẩn bị đầy đủ các đồ đạc hành trang là rất cần thiết.
Các đồ đạc các bạn cần chuẩn bị cho cuộc sống sinh viên không những là những đồ dùng cá nhân, mà còn là những đồ đạc phục vụ cuộc sống hàng ngày, đồ phục vụ học tập.
Dưới đây là danh sach 9 món đồ chủ yếu mà mỗi tân sinh viền cần chuẩn bị cho mình khi bắt đầu cuộc sống mới xa nhà, tại nơi đất khách quê người:
1. Giường ngủ
Ngủ là nhu cầu thiết yếu của mỗi chúng ta, vì thế một chiếc giường đơn sẽ tối giản diện tích mà nó chiếm giữ trong căn phòng của bạn. Đừng quên chọn mua loại ga trải giường, ruột gối, vỏ gối, vỏ chăn thích hợp.
2. Bàn học
Nhiệm vụ chủ yếu khi đi học đại học là học, lấy kiến thức, do đó, bàn học không thể không có. Bạn có thể chọn một chiếc bàn gỗ, hoặc bàn gỗ ép, bàn nhựa tổng hợp, hoặc đơn giản là chiếc bàn gấp ngồi trên giường là tối cần thiết cho các bạn sinh viên
Một chiếc giá sách kèm bàn học là điều rất cần thiết, việc sắp xếp giấy tờ, sách vở học cũng là cách làm tăng hiệu suất học tập cho bạn
3. Một chiếc laptop, máy tính
Laptop, hay máy tính để bàn là một vật dụng không thể thiếu trong khi học đại học. Hầu hết các trường đại học đều thực hiện việc giản dạy thông qua các slide trình chiếu, và việc tập thuyết trình của các sinh viên là một trong những hoạt động không thể thiếu.
Do đó, các bạn tân sinh viên cần sắm cho mình một chiếc laptop, hoặc máy tính bàn. Bên cạnh đó, một chiếc USB để lưu trữ dữ liệu là điều không thể bỏ qua.
4.Tủ quần áo
Giống như một người ra ở riêng, các bạn tân sinh viên không thể không chuẩn bị cho mình một chiếc tủ quần áo để cất giữ quần áo sạch sẽ ngăn nắp, và tạo không gian cho căn phòng rộng rãi hơn, tạo sự thoải mái khi học tại nhà
Bạn có thể chọn cho mình chiếc tủ quần áo bằng gỗ tuy nhiên giá lại khá cao, còn các loại tủ nhôm, tôn hoặc tủ vải là loại khá bình dân được nhiều bạn sinh viên lựa chọn
Bên cạnh tủ quần áo, thì mắc treo quần áo, chậu giặt quần áo, chậu rửa mặt, bột giặt, kem đánh răng, bàn chải đánh răng…là những thứ không thể thiếu.
5. Bếp ga, tủ lạnh
Nếu bạn có một phòng trọ bên ngoài thì chắc chắn bếp ga, hoặc bếp từ nấu ăn là vật dụng không thể không có. Việc tự nấu ăn vừa đáp ứng được khẩu vị của chính mình, vừa khá tiết kiệm cho các bạn sinh viên
Bên cạnh đó, xoong, chảo, bát đũa, giá chứa chén bát,…là những thứ không thể thiếu trong các bữa ăn. Bạn cũng không nên quên các gia vị, các lọ đựng gia vị, và đừng quên mua mì gói, hoặc mì gạo để vừa nhanh, vừa tiện cho những bữa ăn nhanh kịp giờ đến trường.
Nếu bạn có điều kiện thì một chiếc tủ lạnh cũng là vật dụng không thể thiếu. Nếu bố mẹ gửi quê lên nhiều đồ, hoặc bạn mua được với số lượng lớn với giá rẻ, thì tủ lạnh sẽ giúp bạn tiết kiệm không ít.
6. Quạt
Chắc chắn là bạn không thể sống mà không có quạt, trừ khi bạn có điều hòa hoặc quanh năm thời tiết đều là mùa thu và mùa đông. Bởi vậy, việc bạn cần làm ngay sau khi tìm được nhà trọ đó là mua cho mình một chiếc quạt.
7. Máy sấy tóc
Với các bạn nữ thì một chiếc máy sấy tóc là hoàn toàn cần thiết. Bạn sẽ tiết kiệm được thời gian hơn rất nhiều, đặc biệt là khi học tập và làm việc của bạn chiếm hầu hết thời gian của bạn.
8. Cây lau nhà, chổi quét nhà, nước tẩy rửa, nước rửa chén, thùng rác… Tất tần tật liên quan đến việc vệ sinh phòng ngủ và phòng vệ sinh của bạn.
9. Khăn mặt, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, sữa rửa mặt.
Địa điểm và các hoạt động vui chơi, giải trí
Nhiều người nói rằng Hà Nội đi một vòng là hết, tuy nhiên, để có thể chơi hết tất cả những địa điểm nổi bật ở Hà Nội thì không phải dễ. Nếu là tân sinh viên, bạn có thể tham khảo một số địa điểm nổi tiếng của Hà Nội như sau:
* Văn miếu Quốc Tử Giám
Giờ mở cửa: 08h00 – 17h00 giờ từ tháng 11 – tháng 3 và 07h30 – 18h00 giờ vào những tháng còn lại. Văn Miếu đóng cửa vào ngày chủ nhật. Địa điểm: 58 phố Quốc Tử Giám, Q. Đống Đa, khoảng 2km về hướng Tây từ hồ Hoàn Kiếm. Vé vào cổng: 10.000 VND/lượt, người già trên 60 tuổi: 10.000 VND/lượt.
* Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn
Quanh hồ trồng nhiều loại hoa và cây cảnh, giữa hồ có tháp Rùa, trên hồ có đền Ngọc Sơn. Xung quanh hồ còn có nhiều di tích lịch sử khác như cầu Thê, Tháp Bút khắc 3 chữ “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh), Đài Nghiên, đình Trấn Ba, tháp Hòa Phong…
Địa điểm: Phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. Giờ mở cửa: 08h00 – 17h00 giờ. Giá vé: 10.000 VND/lượt, miễn phí cho trẻ em dưới 15 tuổi.
* Hồ Tây
Hồ Tây, mặt gương của Hà Nội, có diện tích rộng hơn 500 ha với một bề dày lịch sử mấy nghìn năm. Đường vòng quanh hồ dài tới 17km. Ngành địa lý lịch sử đã chứng minh rằng hồ là một đoạn sông Hồng cũ còn rớt lại sau khi sông đã đổi dòng… Có thể do sông hồ biến đổi như vậy mà đã xuất hiện nhiều truyền thuyết về hồ và tên gọi của hồ.
* Lăng Bác – Chùa Một Cột
Chùa Một Cột ngay gần Lăng Bác, bạn có thể đi bộ đến tham quan công trình kiến trúc độc đáo này.
Giờ mở cửa: Lăng Bác mở cửa 5 ngày một tuần, vào các buổi sáng thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật. Từ tháng 4 đếng tháng 10, mở cửa từ 7h30 – 10h30; Từ tháng 11 đếntháng 3 mở cửa từ 8h00 đến 11h00 giờ; ngày lễ, thứ Bảy, Chủ nhật mở cửa thêm 30 phút. Hàng năm Lăng đóng cửa để làm nhiệm vụ tu bổ định kỳ vào 2 tháng: tháng 10 và tháng 11.
* Nhà cổ 87 Mã Mây
Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây nằm ở phía bắc Hồ Hoàn Kiếm, trong khu vực phố cổ Hà Nội. Ngôi nhà được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX và còn giữ lại được khá đầy đủ các chi tiết kiến trúc cổ Hà Nội.
Giờ mở cửa: 8h00 – 20h00, 19h00 mỗi ngày có biểu diễn nghệ thuật dân gian Đào Xá, ca trù trong 60 phút. Giá vé tham quan: 5.000 – 10.000 VND/lượt.
Địa điểm: 87 Mã Mây, Hàng Buồm, Hoàn Kiếm.
Ở phố Mã Mây cũng có một quán Bún đậu mắm tôm rất nổi tiếng, bạn sẽ mê mẩn món ăn này nếu được thưởng thức tại đây!
* Ngôi nhà cổ 38 Hàng Đào
Ngôi nhà 38 Hàng Đào, nguyên là đình Đồng Lạc (đình chợ bán yếm lụa). Đình được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII) với quy mô rộng rãi: Nhưng vì chiến tranh, đình bị phá huỷ. Khoảng năm 1856 (niên hiệu Tự Đức, Bính Thìn), ngôi đình này được trùng tu.
* Vườn hoa Nhật Tân
Ở đây quanh năm có hoa nở, từ bách nhật, hướng dương, hoa cánh bướm, hoa móng rồng… Lệ phí để vào mỗi vườn là 20.000 đồng/người. Địa điểm: Đi vào từ ngõ 264 Âu Cơ, Quận Tây Hồ.
* Phố cổ Hà Nội
Hà Nội nổi tiếng với 36 phố phường. Vì vậy, một khi bạn đã đến Hà Nội thì không thể không đến đây được. Khu phố cổ Hà Nội đã từng được các du khách phương Tây ví với thành Venice cổ kính, cho đến hôm hay vẫn là khu phố cổ xưa độc đáo ở Việt Nam.
Khu phố cổ Hà Nội thường được gọi là khu 36 phố phường nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội, thuộc quận Hoàn Kiếm, có diện tích là 100 ha, được giới hạn phía bắc là đường Hàng Đậu, phía nam là các đường phố Hàng Bông – Hàng Gai – Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía đông là đường Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải, phía tây là đường Phùng Hưng.
* Cột Cờ Hà Nội
Cột cờ là một trong những công trình kiến trúc thuộc khu vực thành cổ Hà Nội còn nguyên vẹn.
Cột cờ nằm trong khuôn viên Bảo tàng Quân đội, đường Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình.
* Đền Bạch Mã
Đền thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay là 76 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đền thờ thần Long Đỗ tức Bạch Mã, vị thần bảo hộ kinh thành Thăng Long.
* Các trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội như Royal city, Times City…
* Làng cổ Đường Lâm (cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 50 km).
Về phượng tiện đi: Từ Hà Nội, bạn có thể tới Đường Lâm bằng ôtô, xe máy, thậm chí là xe buýt, sau đó bắt xe ôm đến làng.
– Bằng xe Buýt: Bến xe Kim Mã -> Sơn Tây: tuyến 70; Bến xe Hà Đông -> Sơn Tây: tuyến 77; Bến xe Mỹ Đình -> Sơn Tây: tuyến 71.
– Bằng ôtô khách: tuyến Mỹ Đình – Phú Thọ (mất chừng 1 tiếng 15 phút).
– Bằng taxi: Bạn có thể xem giá vé xe taxi ở Hà Nội để lựa chọn cho mình một hãng xe uy tín.
* Làng gốm Bát Tràng (cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km).
Đường đi: Từ phía trung tâm Hà Nội có thể đi theo cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì. Qua sông Hồng, bạn rẽ phải chừng 10 – 15 km là đến cổng làng Bát Tràng. Bạn cũng có thể đi xe bus số 47 từ bến Long Biên 1, cuối đường Yên Phụ đến thẳng Bát Tràng.
Đến đây, bạn sẽ có cơ hội tự mình nặn ra những chiếc cốc, chiếc bát để mang về làm kỷ niệm. Chắc chắn bạn sẽ có những món đồ mang về khoe bạn bè và người thân.
Tham khảo thêm Kinh nghiệm du lịch Hà Nội.
Ngoài các địa điểm trên, các sinh viên còn thích đến rạp chiếu phim để thưởng thức những bộ phim bom tấn mới nhất. Bạn có thể so sánh giá vé của tất cả các rạp chiếu phim trên Hà Nội tại đây.
Ngoài ra, nếu bạn muốn biết những món ăn nổi tiếng ở Hà Nội và muốn thưởng thức nó khi đến đây thì có thể tham khảo tại đây.
Hương Giang
Tổng hợp
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam