Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Tháng 6 hàng năm là khoảng thời gian Apple tổ chức sự kiện công nghệ WWDC nhằm quảng bá các thiết bị phần cứng mới của hãng như Apple TV, MacBook Pro,.. Đồng thời, đây cũng là khoảng thời gian Táo Khuyết trình làng các phiên bản mới của hệ điều hành iOS và OS X. Trước thềm WWDC 2015 diễn ra trong vài ngày tới, hãy cùng nhìn lại nét nổi bật của các phiên bản iOS từng được cho ra mắt trước đây.
Phiên bản 2.0: Sự xuất hiện của AppStore
Cửa hàng trực tuyến AppStore không chỉ là một hệ thống có quy mô vô cùng lớn, mà nó cũng là mỏ vàng khổng lồ cho Apple. Mặc dù vậy, ít ai biết rằng nhà sản xuất iPhone suýt chút nữa bỏ lỡ tính năng vô cùng độc đáo này. Vào các phiên bản iOS đầu tiên, ứng dụng trên iPhone chủ yếu hoạt động và được tải về trên mạng Internet và Táo Khuyết từng cho rằng phương thức này là hợp lý.
Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động, hacker đã sớm phát hiện ra cách phát tán mã độc và Trojan lên thiết bị của người dùng thông qua các ứng dụng thứ 3. Trước vấn nạn ấy, Apple nhanh chóng tung ra bản cập nhật 2.0 với sự xuất hiện của cửa hàng ứng dụng AppStore, mang đến sự đảm bảo cho người dùng iPhone và iPad.
Phiên bản 3.0: Tính năng Copy & Paste
Một năm sau đó, Apple mang đến bản cập nhật 3.0 với hàng trăm tính năng mới độc đáo. Nổi bật trong số đó là tính năng cho phép người dùng thực hiện các thao tác quen thuộc như Copy/Cut/Paste, hoàn tác văn bản, hỗ trợ tin nhắn MMS và bàn phím nằm ngang.
Ngoài ra, bản cập nhật 3.0 còn mang đến nhiều cải thiện về giao diện người dùng, tính năng tiêu điểm Spotlight cùng với khả năng quay và trình chiếu video.
Phiên bản 4.0: Khởi nguồn của đa nhiệm và gọi thoại video
Tháng 6/2010, Apple tiếp tục cho ra mắt phiên bản iOS 4.0 cùng một khái niệm mới mang tên đa nhiệm, mang lại nhiều trải nghiệm mới cho người dùng iPhone và iPad. Các ứng dụng giờ đây thực sự chạy song song với nhau, chứ không hoạt động độc lập như trước, điển hình là ứng dụng nghe nhạc, GPS, email, và các thông báo.
iOS 4.0 cũng mang đến khả năng gọi thoại video bằng ứng dụng FaceTime. Tuy nhiên để đảm bảo tính ổn định thời bấy giờ, người dùng iPhone chưa thể gọi video qua mạng di động, mà chỉ có thể sử dụng thông qua mạng Wi-fi.
Phiên bản 5.0: Sự ra đời của Siri và iMessage
Phiên bản iOS 5.0 đánh dấu sự ra đời của Siri – ứng dụng trợ lý ảo đầu tiên trên thế giới và cũng là tính năng được quan tâm nhất trên iPhone 4S thời bấy giờ. Không đơn thuần là ứng dụng nhận diện giọng nói, Siri có thể soạn, gửi tin nhắn, thông báo thời tiết, thiết lập cuộc hẹn, tìm số điện thoại…
Bên cạnh đó, phiên bản iOS này còn mang đến tính năng iMessage cho phép người dùng iPhone, iPod Touch, iPad được Apple nhắn tin cho nhau miễn phí chỉ với mạng Wi-fi hoặc 3G.
Trung tâm cập nhật và thông báo cũng là những tính năng mới đáng chú ý trên bản cập nhật 5.0, cho phép người dùng quản lý ứng dụng và các hoạt động đi kèm dễ dàng hơn nhiều so với trước đây.
Phiên bản 6.0: Ứng dụng bản đồ ra đời
Tiếp theo đó, vào năm 2012, phiên bản iOS 6.0 vội vã mang đến ứng dụng bản đồ Apple Maps với mục đích cạnh tranh cùng tính năng Google Maps đang ngày càng phổ biến trên các mẫu điện thoại chạy Android, cũng như trên nền tảng máy tính thông thường.
Tuy nhiên nhà sản xuất iPhone nhanh chóng nhận ra đây là một công việc cần sự chính xác và nỗ lực nhiều năm để hoàn thiện. Tính năng bản đồ của họ khi ấy liên tục vướng phải các lỗi sử dụng, và thiếu đi các tính năng hữu ích hỗ trợ người dùng.
iOS 6.0 cũng là phiên bản đầu tiên trợ lý ảo Siri xuất hiện trên iPad, cũng như cho phép người dùng iPhone “lướt” Facebook thoải mái trên thiết bị của họ.
Phiên bản 7.0: Giao diện phẳng
Microsoft cho ra mắt Windows 7 cùng giao diện phẳng vào năm 2010, và nhanh chóng trở thành một trào lưu cho đến tận thời điểm bây giờ. Trong khi Android nhanh chóng nắm bắt xu thế này thì Apple vẫn bảo thủ với thiết kế 3D truyền thống của mình.
Đến tận năm 2013 với bản cập nhật iOS 7.0, Apple cuối cùng đã nhận sai và thay đổi toàn bộ giao diện người dùng bao gồm các biểu tượng, thanh công cụ, hình ảnh nền, và các ứng dụng. Đi kèm với đó, các tính năng đa nhiệm, trợ lý ảo Siri, và trung tâm thông báo cũng được cải thiện và trở nên thông minh hơn nhiều.
Phiên bản 8.0: Ra mắt tính năng Handoff & HealthKit
Một trong những tính năng mới nổi bật nhất của iOS 8.0 là tính năng “rảnh tay” Handoff hoạt động trên cả nền tảng OS X Yosemite của MacBook. Tính năng cho phép các thiết bị trong hệ sinh thái của Apple hoạt động cùng nhau một cách trơn tru và thông minh hơn. Thí dụ như khi dừng làm việc trên máy tính và cần đi ra ngoài, bạn có thể nhanh chóng tiếp tục công việc của mình trên một chiếc iPad, iPhone mà không gặp trở ngại gì.
Phiên bản này cũng đánh dấu sự xuất hiện của ứng dụng giám sát sức khỏe người dùng HealthKit, tương tự như Google Fit, và ứng dụng hỗ trợ tính năng nhận dạng vân tay TouchID. Mặc dù vậy, không phải mọi tính năng trên iOS 8.0 đều hoàn toàn là đồ “mới”. Điển hình như ứng dụng bàn phím thứ ba – thứ đã xuất hiện trên smartphone Android từ rất nhiều năm.
Nguyễn Nguyễn