1. Tin tức hữu ích
  2. Đặt khách sạn
  3. Dịch vụ tài chính
  4. Đăng sản phẩm lên Websosanh
  5. Hỗ trợ khách hàng - 1900.0345

Nguồn gốc ngày lễ Vu Lan báo hiếu

Một mùa Vu lan báo hiếu sắp tới, và chắc bạn sẽ thắc mắc về nguồn gốc của một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm này. Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]

Vu lan, còn được hiểu là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo và phong tục Trung Hoa. Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Hán, và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Vào ngày này, mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Theo tín ngưỡng dân gian, là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế thờ cúng. Ngày lễ này bắt nguồn từ một sự tích được truyền lại từ thời xa xưa.

Bông hồng cài áo là biểu tượng của mùa Vu lan

Bông hồng cài áo là biểu tượng của mùa Vu lan

Mục Kiền Liên, một trong những vị đại đệ tử của Phật, nổi tiếng nhất về lòng hiếu thảo và về thần thông, sau khi chứng quả La Hán, bèn nhớ đến công ơn cha mẹ và muốn báo đền. Nhờ có đạo nhãn, ông thấy mẹ mình đang bị đọa làm loài ngạ quỉ, thân thể ốm gầy, da bọc xương, bụng lớn đầu to, đói khát suốt năm không được ăn uống. Thương xót quá, ông bèn vận thần thông, bưng chén cơm đang ăn đến chỗ mẹ ở để dâng mẹ. Bà mẹ vì quá đói khát, nên khi được cơm, lòng tham nổi lên, sợ người cướp giật, lấy tay trái che giấu chén cơm, còn tay mặt bốc ăn. Bởi lòng tham độc ác trong tiền kiếp nổi bừng lên, nên vừa đưa cơm vào miệng, thì cơm hóa thành lửa, bà chẳng ăn được chút nào.

Mục Kiền Liên hết sức đau khổ, khóc lóc thảm thiết. Ông trở về bạch Phật, thuật lại câu chuyện và cầu Phật chỉ dạy phương pháp cứu độ thân mẫu. Phật dạy rằng:

“Này Mục Kiền Liên, mẹ của ông do lòng tham lam độc ác đã tạo ra tội lỗi nặng nề trong nhiều kiếp, nay sinh trong ác đạo làm loài ngạ quỉ, nên không thể một mình ông cứu độ được. Dẫu lòng hiếu thảo của ông vô cùng lớn lao cũng không sao chuyển được hoàn cảnh, chẳng khác gì chiếc thuyền con, không thể chở được tảng đá lớn. Vậy ông phải nhờ oai thần của chúng tăng trong mười phương, “thập phương chúng hội” đức lớn như biển, mới cứu độ mẹ ông được giải thoát. Ta sẽ chỉ cho ông phương pháp cứu độ mẹ ông.

“Này Mục Kiền Liên, ngày rằm tháng bảy là ngày tự tứ của chư tăng khắp nơi, sau ba tháng an cư kiết hạ, các chư tăng tiến bộ rất nhiều trên đường tu học. Nhân ngày ấy, ông hãy làm lễ Vu Lan Bồn để báo hiếu cho mẹ ông.

“Ông hãy sắm sửa đủ các món ăn chay, năm thứ trái cây, cùng hương dầu đèn nến, giường chõng chiếu chăn, mùng mền quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay… Tóm lại, là đủ bốn món cúng dường quí báu trên đời. Rồi ông phải thân hành đi rước các vị đại đức trong mười phương, hoặc những vị thiền định trong núi rừng chứng được bốn quả thánh, hoặc các vị bồ tát thị hiện làm thầy tỳ kheo… Ông phải thành tâm kính lễ trai tăng cúng dường và thỉnh cầu chư tăng chú nguyện cho vong linh mẹ ông được thoát khổ. Nhờ công đức chí thành chú nguyện, vong linh mẹ ông sẽ được siêu thoát. Cũng như tảng đá dù nặng trăm cân, nhưng có nhiều người khiêng thì dời đi đâu cũng được”.

Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, đến ngày rằm tháng bảy làm lễ Vu Lan, sắm đủ các vật liệu, rước chư tăng đến cúng dường, nên vong mẫu của ông thoát khỏi kiếp ngạ quỷ sinh về cảnh giới lành.

Từ đó về sau, cứ đến ngày rằm tháng bảy, các hàng Phật tử chí hiếu đều làm lễ Vu Lan để đền đáp công ơn cha mẹ, cầu cho cha mẹ hiện tại được tăng phúc thọ, khỏi những điều tai họa khổ não, dẫu còn sống hay đã mất. Ngoài ra, họ còn tưởng nhớ và chú nguyện cho cửu huyền thất tổ, các ân nhân, thân nhân, bạn bè, những người quen biết đã quá cố sớm được vãng sinh nơi Phật Quốc.

Theo giáo lý Phật dạy, việc tỏ lòng thành kính biết ơn đấng sinh thành của mỗi người có những cách khác nhau. Riêng các phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng…

Vào ngày này, mỗi người thường được cài lên áo một chiếc hoa hồng: màu đỏ cho người còn mẹ và màu trắng cho ai đã mất mẹ. Với những ai may mắn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo thì được nhắc nhở hãy cố gắng hết lòng vâng lời, hiếu kính, lễ phép với cha mẹ. Đó là may mắn lớn nhất mà người đó còn có được trên cuộc đời này. Còn người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở không bao giờ quên ơn cha mẹ, đồng thời giữ nề nếp gia phong anh em hòa thuận.

Tại các chùa và hội đoàn Việt Nam, vào ngày lễ Vu Lan thường có nghi thức “Bông hồng cài áo”, là cài bông hồng cho những ai còn mẹ và bông trắng cho những ai mất mẹ, nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người. Nghi thức này do thiền sư Nhất Hạnh khởi xướng trong cuốn sách viết năm 1962.

Tuy ngày lễ Vu lan là ngày lễ lớn nhất trong năm để mỗi con người chúng ta tự vấn bản thân mình về lòng hiếu thảo với cha mẹ, nhưng là phận con cái, chúng ta có bổn phận và trách nhiệm là luôn luôn phải hiếu thảo với cha mẹ chứ không chỉ riêng vào ngày lễ Vu lan.

Thu Hương(Tổng hợp)

Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam

So sánh, tìm kiếm giúp mua được giá rẻ, uy tín và tốt nhất