Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Bảo vệ các loại tai nghe nói chung
Cách tốt nhất để bảo vệ tai nghe của bạn là giữ tai nghe trong hộp hay túi đựng khi bạn không dùng. Ngay cả khi tai nghe của bạn không đi kèm túi hay hộp đựng, bạn vẫn có thể mua bên ngoài với giá khá rẻ.
Một hộp hay túi đựng sẽ rất tiện lợi cho việc bảo vệ tai nghe của bạn
Headband của các tai nghe hiện nay thường làm từ nhựa dẻo dễ uốn nên bạn có thể điểu chỉnh headband liên tục mà không sợ headband bị gãy. Tuy nhiên, bạn vẫn nên biết giới hạn uốn của headband để tránh vô tình làm hỏng headband trong quá trình sử dụng.
Đa số headphone hiện nay có headband dẻo rất dễ uốn
Hãy cẩn thận với các tai nghe có dây dài. Tránh dẫm lên dây, tránh để các vật khác đè hay chẹt lên dây làm dây bị đứt hay bị hư hại bên trong dẫn tới việc tín hiệu âm thanh hay bị ngắt quãng hoặc chập chờn. Nếu bạn hay phải dùng bộ chuyển đổi 1/8 – 1/4, bạn nên thường xuyên kiểm tra mặt tiếp xúc để tránh kết nối kém. Bạn cũng nên tránh đặt áp lực lên jack hay điểm nối dây vào tai nghe để hạn chế làm dây dẫn bên trong bị hư hại.
Bụi làm hỏng tai nghe rất nhanh. Để tránh bụi, bạn nên lau bề mặt của tai nghe (headband, bên ngoài ốp tai, dây) bằng vải vi sợi và để tai nghe ở nơi khô ráo, tránh xa tầm với của trẻ nhỏ hoặc động vật nuôi. Nếu tai nghe của bạn có đi kèm giá treo thì tốt nhất bạn nên đặt tai nghe trên giá để tránh bề mặt bụi bẩn, dễ dàng lấy và có tính thẩm mĩ.
Có một chiếc giá để tai nghe sẽ rất tiện lợi và thẩm mĩ
Giữ tai nghe của bạn tránh khỏi môi trường quá lạnh hay nóng, ánh nắng trực tiếp, hơi ẩm, môi trường nhiều bụi, tránh làm rơi hay va đập mạnh.
Cách chăm sóc các bộ phận giả da/vải nhung dạ
Đôi với các bề mặt có lót vải nhung, bạn nên lau thường xuyên để tránh bề mặt bám bụi. Bạn cũng có thể dùng máy hút bụi mini (máy hút bụi hay dùng để làm sạch bàn phím) để dọn sạch bụi cho các bộ phận làm từ vải nhung.
Các bề mặt da và giả da của tai nghe phải được chăm sóc cẩn thận
Đối với bề mặt giả da, bạn không nên dùng các chất làm sạch da, vì các chất này không để dùng với da nhân tạo. Da nhân tạo sẽ có thể bị nứt nếu bạn dùng hóa chất để làm sạch. Cách tốt nhất là dùng khăn ướt lau để sạch bụi sau mỗi lần bạn dùng xong.
Cách bảo vệ dây nối
Dây nối là một phần rất quan trọng của tai nghe, nhưng nhiều người lại không mấy quan tâm tới việc chăm sóc dây cho lắm.
Nhiều người hay có thói quen cuốn dây quanh điện thoại hay máy nghe nhạc rồi nhét vào túi quần hay túi xách. Việc này có thể gây hại cho cả tai nghe lẫn máy nghe nhạc hay điện thoại của bạn, đặc biệt là khi bạn cuốn chặt. Tai nghe sẽ còn tệ hơn nếu bạn để tai nghe cắm vào điện thoại hay máy chơi nhạc ở trong túi. Jack cắm và đoạn dây nối vào jack sẽ bị hư hại. Sau một thời gian sử dụng, bạn sẽ thấy âm thanh hay bị ngắt quãng trừ khi bạn uốn dây theo một hướng nào đó.
Một chiếc cord wrap sẽ rất tốt để bạn cuốn dây tai nghe an toàn
Cách tốt nhất để bảo vệ dây tai nghe là cuốn dây tai nghe theo hình tròn có đường kính khoảng 5 đến 6cm, bạn có thể cuốn dây tai nghe quanh bàn tay của bạn nếu bạn không có ống cuốn. Bạn cũng không nên cuốn quá chặt, tránh làm căng dây.
Dây nhựa bọc tai nghe cũng là một cách để bảo vệ dây tai nghe của bạn
Một cách nữa là bạn có thể dùng dây nhựa bọc bảo vệ đang rất thịnh hành hiện nay. Dây bọc sẽ giúp dây tai nghe của bạn không bị rối, tránh bị căng hay bị chèn ép và còn tạo điểm nhấn phong cách cho chiếc tai nghe của bạn.
Giữ gìn các loại tai nghe in-ear
Các loại tai nghe in-ear (tai nghe nhét tai) thường có các eartip làm bằng cao su hoặc foam nằm trong lỗ tai khi đeo. Vì vậy, bạn phải làm sạch eartip sau mỗi lần sử dụng để tránh ráy tai của bạn làm bẩn và bịt mất lối thoát của âm thanh. Đối với eartip làm từ cao su hoặc nhựa, bạn có thể dùng bông tăm để vệ sinh, vì cao su và nhựa khá dễ làm sạch.
Dùng bông tăm để làm vệ sinh eartip bằng nhựa hoặc cao su
Đối với eartip làm từ foam dễ bẩn hơn, bạn nên tháo eartip rời khỏi tai nghe rồi rửa bằng nước sạch rồi phơi khô. Tốt nhất không nên lau rửa eartip foam bằng cồn hay các dung môi có cồn. Tuy nhiên, dù bạn có giữ thế nào thì bạn cũng nên thay eartip 3 tháng một lần để đảm bảo tai nghe luôn thoải mái và có hiệu suất cao nhất. Làm sạch tai, đặc biệt là ống tai cũng rất quan trọng để giữ cho tai nghe của bạn sạch.
Bạn nên thay eartip 3 tháng mỗi lần
Đức Lộc
Tổng hợp
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam