Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Trong vài năm qua, công nghệ sản xuất màn hình smartphone đã có những bước tiến nhảy vọt nhanh chóng. Từ những thiết bị chỉ sở hữu màn hình độ phân giải 800 x 480 pixel, chúng ta đã có các smartphone với màn hình 960 x 540 rồi 720p, 1080p và sắp tới có thể là màn hình Quad HD với độ phân giải 2560 x 1440. Tuy nhiên, các hãng di động vẫn cho thấy họ sẽ chưa dừng lại ở đó, một mục tiêu đầy tham vọng tiếp tục được đặt ra đó là màn hình 4K. Song đối với nhiều người, màn hình Quad HD đã là một sự phí phạm tài nguyên phần cứng chứ chưa nói gì đến màn hình 4K.
Apple từng tuyên bố rằng, 300 ppi chính là giới hạn của mắt người khi nhìn một vật ở khoảng cách 20 – 30 cm. Và thực tế là hầu hết các tạp chí đều được in ở mật độ điểm ảnh là 300 ppi mà không có ai phàn nàn về độ phân giải của nó. Đây cũng là cơ sở để Táo khuyết tạo nên tiêu chuẩn màn hình “Retina” của mình. Tuy nhiên, một số người có quan điểm đối nghịch lại nói rằng mắt người bình thường có thể phân biệt được mật độ điểm ảnh lên đến khoảng 480 ppi hoặc thậm chí nhiều hơn, nhưng đòi hỏi phải có khoảng cách nhìn gần hơn và thị lực tốt hơn.
Không thể phủ nhận rằng khi chúng ta so sánh màn hình 720p của phablet Galaxy Note II và màn hình 1080p của Note 3, sự khác biệt về chất lượng hiển thị, độ sắc nét là rất dễ nhận ra. Nhưng càng lên cao, sự khác biệt càng khó thấy được. Với khoảng cách nhìn thông thường từ mắt người đến màn hình smartphone, gần như bạn sẽ rất khó cảm nhận chính xác sự vượt trội của màn hình 4K với mật độ điểm ảnh trên 800 ppi so với màn hình 1080p.
Mặt khác, nói một cách sơ bộ thì bạn khó có thể phát hiện được các điểm ảnh riêng lẻ trên màn hình 5-inch 1080p ở khoảng cách 8-inch, đúng với tầm mắt thông thường. Tuy nhiên, với màn hình 4K thì khoảng cách này rút ngắn xuống còn 4-inch – quá gần so với tầm mắt quan sát thông thường. Đối với những chiếc tablet 10-inch, khoảng cách nhận diện được các điểm ảnh trên màn hình độ nét cao UHD là 7,5-inch – khá là gần. Còn với màn hình 10-inch 1080p là 15,5-inch.
Ngoài ra, với khoảng 3,7 triệu điểm ảnh, một màn hình Quad HD có gần gấp đôi độ phân giải so với một màn hình FullHD 1080p (2,1 triệu điểm ảnh). Càng nhiều điểm ảnh phụ sẽ đồng nghĩa là vi xử lý đồ họa sẽ cần là việc “cực nhọc” hơn và cần phải được đảm bảo mạnh mẽ hơn nếu muốn các ứng dụng đồ họa chạy mượt mà. Hiện nay, những vi xử lý đời mới như Snapdragon 805 hay Exynos 6 vẫn có thể đủ sức gánh vác màn hình độ phân giải siêu cao nhưng một vấn đề muôn thủa khó giải quyết đó là thời lượng pin của thiết bị. Việc đánh đổi giữa màn hình đẹp và thời lượng sử dụng quả thực là điều mà các hãng sản xuất cần hết sức cân nhắc.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, để tạo được sức hút trước người dùng, cuộc đua độ phân giải màn hình vẫn đang tiếp diễn. Japan Display, LG hay Qualcomm đều đang sở hữu những mấu màn hình Quad HD và trong tương lai gần có lẽ họ cũng không bỏ qua phân khúc phát triển màn hình 4K cho di động. Rất có thể nửa cuối năm 2014 sẽ là lúc loạt smartphone với màn hình Quad HD ra đời còn sang năm sau những thiết bị với màn hình 4K cũng sẽ trình làng.
Song thực tế rằng tăng độ phân giải không hẳn là điều kiện tiên quyết cải thiện chất lượng hiển thị. Sẽ rất tuyệt vời nếu các nhà sản xuất có thể tạo ra được những loại màn hình mỏng hơn, màu sắc cũng như góc nhìn tốt hơn và đặc biệt là có khả năng tiết kiệm pin tối đa. Đây mới chính là mục đích mà rất nhiều người dùng kỳ vọng vào bước đột phá của làng di động trong thời gian tới.