Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Dưới đây là tổng hợp những kinh nghiệm mua điện thoại cũ mà bạn nên đọc qua trước khi quyết định mua lại một em điện thoại nào đó.
1. Hiểu về các loại điện thoại cũ
Thị trường điện thoại cũ rất đa dạng từ mẫu mã đến nguồn gốc vì vậy bạn cần biết được có những loại điện thoại cũ nào phù hợp với nhu cầu của bản thân. Chủ yếu sẽ có 6 loại điện thoại cũ trên thị trường gồm:
– Điện thoại cũ Like New
Đây những sản phẩm điện thoại như mới, có ngoại hình đẹp và các linh kiện của máy vẫn còn nguyên zin, chưa bị thay thế hay sửa chữa. Do đó chất lượng của chúng sẽ được đảm bảo. Cũng có nhiều loại điện thoại Like New tùy thuộc vào tình trạng ngoại hình của máy mà tương ứng với giá bán khác nhau như hàng Like New 99%, Like New 97 – 98%, Like New dưới 95%,…
– Điện thoại hàng dựng
Là những chiếc điện thoại đã được thay thế các bộ phận trên máy, có vẻ ngoài đẹp như mới. Một số chiếc thì hàng dựng vẫn được giữ nguyên một số linh kiện như: camera, main, màn hình… và chỉ thay thế một số linh kiện nhỏ như vỏ hay loa.
Tuy nhiên, cũng có nhiều điện thoại hàng dựng bị thay thế hầu như hết các linh kiện, chỉ còn giữ lại phần main máy. Điện thoại có chất lượng không cao, nhanh xuống cấp do các bộ phận thay thế là hàng không chính hãng, chất lượng kém.
– Điện thoại hàng đổi trả
Là những chiếc điện thoại mà sau một thời gian sử dụng vì một lý do nào đó người dùng muốn trả hoặc bán lại cho chính cửa hàng đã mua.
Nếu như điện thoại vẫn còn nguyên vẹn, không bị hỏng hóc gì thì người trả hàng sẽ mất một khoản chi phí để lấy lại tiền hoặc được đổi sang máy khác. Sau đó chiếc điện thoại này sẽ được cửa hàng làm mới phụ kiện như tai nghe, sạc, khôi phục bảo hành và được bán lại với giá thấp hơn.
Trong trường hợp máy trả lại bị lỗi do nhà sản xuất thì máy được thu hồi này sẽ được gửi đi bảo hành để sửa lỗi và sau đó bán lại dưới hình thức máy đổi trả.
– Điện thoại hàng Fake – hàng không chính hãng
Đây là những sản phẩm điện thoại được làm nhái, có ngoại hình giống hệt với những mẫu điện thoại nổi tiếng của Apple, Samsung… Tuy nhiên những chức năng bên trong máy sẽ khác biệt và chất lượng không thể bằng hàng chính hãng. Vậy nên bạn tuyệt đối không được mua những loại điện thoại này.
– Điện thoại hàng Refurbished
Những chiếc điện thoại Refurbished là sản phẩm trưng bày tại các hội chợ, triển lãm công nghệ nước ngoài, sau đó được xuất khẩu và bán lại với mức giá rẻ hơn. Chất lượng của những chiếc điện thoại này được kiểm tra kỹ lưỡng và vẫn đảm bảo tốt.
Hoặc là những chiếc điện thoại không được kiểm định trước khi xuất xưởng nên buộc phải mang về nơi sản xuất để sửa lỗi. Sau đó chúng được bán ra với mác Refurbished, giá bán của chung cũng rẻ hơn so với các loại máy khác.
– Điện thoại hàng pre-owned
Là những chiếc máy có các lỗi nhỏ về phần cứng hoặc bị trầy xước nhẹ, nên không vượt qua khâu kiểm định, bị trả lại nơi sản xuất để khắc phục rồi mới được xuất xưởng. Chúng vẫn có đầy đủ phụ kiện đi kèm và thời hạn bảo hành như các loại máy khác, tuy nhiên tem mác của chúng sẽ có ký hiệu pre-owned để khách hàng dễ phân biệt. Giá bán của loại hàng điện thoại này không chênh lệch với máy mới quá nhiều.
2. Cần lựa chọn thời điểm và nơi mua điện thoại cũ tốt
Thông thường, những chiếc điện thoại cũ có giá hời nhất là sau khoảng 2-3 tháng kể từ các hãng tung ra sản phẩm mới. Lúc đó nhiều người dùng muốn bán lại máy để nâng cấp điện thoại. Mức giá bán điện thoại cũ ở các nơi sẽ khác nhau nên bạn cần phải so sánh và tham khảo kỹ lưỡng giá bán trước khi quyết định mua
Bạn cũng cần phải lựa chọn điểm bán uy tín để tránh rủi ro bị lừa. Nên chọn những nơi bán có thông tin cửa hàng đầy đủ, chính sách bảo hành sản phẩm đầy đủ và hỗ trợ, chăm sóc khách hàng tốt.
3. Kiểm tra điện thoại cũ
Trước hết nên để ý tới chính sách bảo hành và chính sách đổi trả của sản phẩm. Việc này giúp đảm bảo bạn không phải tốn chi phí nếu vừa mua về điện thoại đã hỏng, nó cũng thể hiện sự cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm của cửa hàng cho bạn.
Tiếp đến quan trọng nhất là kiểm tra số IMEI điện thoại để biết được điện thoại của bạn có nguồn gốc từ đâu, có chính hãng không.
Sau đó lần lượt kiểm tra ngoại hình bên ngoài của máy xem có dấu hiệu bị tháo ra hay không và kiểm tra các chức năng của điện thoại như sóng điện thoại, chức năng nghe gọi, SIM, màn hình cảm ứng, loa, camera, pin và các phụ kiện đi kèm.