Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Đánh giá chi tiết laptop gaming Dell G3 3590
Thiết kế
So với mẫu 2018 thì kiểu dáng năm 2019 đã được cải thiện rất nhiều, dễ dàng chiếm được thiện cảm của game thủ hơn. Phần vỏ vẫn được hoàn thiện chủ yếu từ nhựa, các cạnh và góc được bo tròn trông đẹp mắt và đắt tiền hơn. Mặt lưng được hoàn thiện từ nhựa mịn, khi đóng máy trông rất sang nhưng đặc điểm là dễ bám bụi và để lại vân tay.
Mặt dưới laptop được chăm chút rất kỹ càng, nhìn cũng hầm hố không kém. Các đế cao su màu xanh dương nổi bật đi kèm với lưới tản nhiệt kích thước lớn, khỏe khoắn.
Bản lề của G3 15 3590 có thể mở góc 145 độ. Thay vì có bản lề ngang xuyên suốt chiều dài máy như trước thì trọng tâm máy bây giờ được đặt vào phần giữa. Kiểu bản lề này gợi nhớ tới series Alienware của Dell, giúp người dùng dễ dàng mở máy bằng một tay.
Để đáp ứng nhu cầu kết nối đến các thiết bị ngoại vi của người dùng, Dell G3 3590 cũng được trang bị đa dạng các cổng I/O. Ở bên trái máy bao gồm: jack nguồn, cổng USB Type C hỗ trợ DisplayPort, HDMI 2.0, USB 3.1 Type A, cổng Ethernet và jack cắm âm thanh. Còn mặt bên phải là: khe cắm thẻ SD tiện lợi cho người dùng thực hiện các công việc sáng tạo, 2 cổng USB 2.0 Type A và khóa Noble.
Màn hình
Là laptop gaming được cải tiến nhiều hơn để mang lại trải nghiệm hoàn hảo cho người dùng, thông số màn hình của Dell G3 3590 sẽ không làm bạn thất vọng. Điểm cộng lớn nhất là viền mỏng, so với người tiền nhiệm G3 3579 thì G3 3590 đã có thiết kế viền ấn tượng hơn với độ mỏng viền chỉ gần 1cm, do đó tầm nhìn của bạn sẽ được mở rộng hơn trên kích thước màn hình 15.6 inch.
Bên cạnh đó, hình ảnh hiển thị cũng cực kì sắc nét, sống động với góc nhìn rộng nhờ độ phân giải FHD kết hợp tấm nền IPS. Nhưng trên hết, tốc độ quét 144Hz mới là điểm sáng cho chiếc máy này bởi xử lí hình ảnh mượt mà hơn màn hình 60hz thông thường, giúp bạn tận hưởng những giây phút của trận đấu đã mắt hơn bao giờ hết.
Bàn phím – Touchpad – Cảm biến vân tay
Bàn phím của Dell G3 3590 không thay đổi nhiều so với phiên bản 2019, layout full-size cùng bố cục kiểu cũ quen thuộc. Đèn nền ánh xanh giúp người dùng có nhiều cảm hứng hơn khi chơi game, làm việc hàng ngày và không bị hạn chế trong bóng tối. Cường độ sáng của đèn nền có thể điều chỉnh bằng phím F10, hoặc bạn có thể tắt luôn để tiết kiệm pin.
Touchpad trên G3 3590 tương đồng với G3 3579 từ kích thước, chất liệu, kết cấu bề mặt sần sùi cho đến tiếng click khi nhấn.
Cảm biến vân tay được tích hợp luôn vào nút nguồn, tốc độ nhận diện rất nhanh chưa đầy 1 giây là đã mở được máy.
Cấu hình – Hiệu năng
Phiên bản G3 3590 năm nay được trang bị hai mức cấu hình là i5-9300H hoặc i7-9750H, RAM 8GB DDR4 2666 MHz, SSD 256GB M.2 NVMe hoặc SSD 512GB, card màn hình GeForce GTX 1050 3GB DDR5 hoặc 1650Ti 4GB DDR5.
CPU Core i5-9300H và card màn hình GeForce GTX 1650Ti là hai tùy chọn phổ biến trên các dòng laptop gaming tầm trung năm 2019. Hiệu năng của CPU này tốt hơn một chút so với i5-8300 năm ngoái, GTX 1650Ti thì có tốc độ nhanh hơn đáng kể so với GTX 1050. Còn so sánh hai bộ vi xử lý i5-9300H và i7-9750H, hiệu suất đa luồng của i7-9750H sẽ nhanh hơn từ 30-40%.
GTX 1650Ti trên G3 3590 có sức mạnh tương đương với phiên bản cho máy tính để bàn. Người dùng có thể mong đợi hiệu năng đồ họa nhanh hơn 50% so với GTX 1050 trên DX11 hoặc hiệu suất nhanh hơn 100% trên DX12 vì GPU Turing được tối ưu hóa cho DX12.
Nhìn chung, con card đồ họa GTX 1650Ti đủ mạnh để chơi các tựa game mới nhất ở 1080p và cho FPS hợp lý ở cài đặt Medium. Ví dụ như với game Battlefield V, G3 3590 cho mức FPS 60 ở cài đặt Ultra còn setting Low là hơn 100 FPS.
Thời lượng pin
Pin của Dell G3 3590 chỉ có 51Wh, giảm đi một chút so với 56Wh của G3 3579. Thời gian sử dụng của nó khoảng 6,5 giờ. Có thể xem như là mức pin tương đối cao cho một chiếc laptop chơi game tầm trung.
Có nên mua laptop Dell G3 3590 hay không?
Điểm mạnh của Dell G3 3590 là khả năng nâng cấp. Không giống HP Pavilion Gaming 15 hay MSI GP65, hệ thống của Dell dễ dàng nâng cấp hơn mà không động chạm đến tem bảo hành. Hiệu suất phần cứng tốt trong tầm giá cũng là một lợi thế lớn để nó tiếp cận người dùng.
Tuy vậy, nó vẫn tồn tại khá nhiều nhược điểm. Tỉ dụ như màn hình có màu sắc hơi yếu, thời gian phản hồi chậm, lớp phủ mờ và đèn nền cũng mờ. Mặc dù ánh sáng màn hình tạm chấp nhận được khi chơi game nhưng HP Pavilion 15 và Lenovo Legion Y540 có màn hình hiển thị tốt hơn nhiều, phù hợp hơn với các trò chơi nhịp độ nhanh.
Do đó, nếu có đủ điều kiện thì tốt nhất bạn nên sắm hẳn mẫu Dell G7 hoặc cao hơn nếu muốn có trải nghiệm hình ảnh tốt nhất. Hoặc cầu kỳ hơn một chút, bạn có thể hẳn một chiếc màn hình máy tính để có trải nghiệm chơi game mượt mà hơn.
Đó là lời khuyên dành cho những người có yêu cầu khắt khe đối với việc trải nghiệm game. Còn với người dùng phổ thông thì hẳn chiếc laptop Dell G3 3590 này đã đủ để đáp ứng rồi. Giá của chiếc laptop này hiện rơi vào khoảng 23 – 25 triệu đồng với tùy chọn cấu hình như sau:
- Tùy chọn 1: Laptop Dell G3 Inspiron 3590 N5I5517W Intel Core i5-9300H, 8GB RAM, SSD 256Gb, Nvidia GeForce GTX 1050 3GB GDDR5, 15.6 inch
- Tùy chọn 2: Laptop Dell G3 Inspiron 3590 N5I5518W Intel Core i5-9300H, 8GB RAM, SSD 512GB, Nvidia GeForce GTX 1650 4GB GDDR5, 15.6 inch