Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Đánh giá tai nghe không dây Bose SoundSport Wireless
Thiết kế
Thoạt nhìn thì chiếc tai nghe Bose này khá to và cồng kềnh, nếu đặt cạnh chiếc tai nghe Airpods thì mới thấy rõ sự ‘quá khổ’ của nó.
Kích thước của SoundSport Wireless là 3 x 2,5 x 3 cm, trọng lượng 23g, màu sắc tinh tế. Nó có 3 tùy chọn màu là đen, xanh lơ và vàng kem. Ngoài ra cũng có phiên bản màu đỏ đặc biệt SoundSport Pulse Wireless có tích hợp bộ đếm nhịp tim tương hợp với các phần mềm thể thao chuyên dụng như Runkeeper, Endomondo. Giá của bản đặc biệt này là 4.999.000 triệu đồng, đắt hơn một chút so với bản thường.
Cụm điều khiển nằm ở vị trí thuận lợi nhất có thể, hài hòa với thẩm mỹ tổng thể của Bose SoundSport Wireless nhưng nút bấm lại hơi cứng, không được gọn cho lắm. Phần dây khá dài và không có chức năng thu ngắn dây như ở các đối thủ Jaybird X2, Freedom, Powerbeats 2 Wireless hay Monster Adidas Sport Adistar. Để vớt vát điểm này Bose đã thêm 1 clip dây mang khớp đeo lên áo, tuy nhìn có vẻ lỏng lẻo nhưng clip này giữ dây tai nghe tương đối chắc chắn.
Nhờ eartip StayHear + Sport, housing của Bose SoundSport Wireless nằm vững chãi trên tai người đeo mà không cần phải ấn sâu vào trong ống tai, không gây cảm giác khó chịu, cấn tai. Ngoài ra chất liệu cao su của eartip khá là bền, rất khó hao mòn và rất êm ái. Có sẵn 3 bộ eartip kích cỡ S/M/L để bạn chọn một loại hợp tai mình nhất.
Tai nghe cũng có khả năng chống mồ hôi, chống nước nhưng Bose không tiết lộ cụ thể nó là chuẩn bao nhiêu.
Kết nối
Bose SoundSport Wireless có thể kết nối với cả iOS và Android với công nghệ Bluetooth 4.1. Công nghệ này không ngon bằng 5.0, sẽ có độ trễ khi chơi game nhưng nghe nhạc, xem phim khá ổn. Nếu bước vào nơi có nhiều thiết bị bluetooth khác thì sóng có thể bị nhiễu nhưng không đến nỗi mất hoàn toàn.
Để ghép đôi tai nghe, bạn chỉ cần giữ nút nguồn ở housing bên phải cho đến khi nó chuyển sang chế độ kết nối. Khi đã thực hiện kết nối sẽ có giọng nói thông báo cho bạn biết, ngoài ra nó còn thông báo cho bạn biết phần trăm pin còn lại là bao nhiêu, và thiết bị kết nối là thiết bị nào. Tuy giọng nói này khá máy móc một chút nhưng so với những tai nghe không có thì đó vẫn là điều rất đáng hoan nghênh.
Chất âm
Điều mà khiến các audiophile tranh cãi về các sản phẩm của Bose là họ không bao giờ công bố thông số kỹ thuật chi tiết của sản phẩm, để rồi người ta cứ đoán già đoán non mãi chiếc tai nghe không dây này đáp ứng dải tần bao nhiêu, trở kháng thế nào.
Tuy nhiên, xét ở khía cạnh khách quan thì phải nói rằng âm thanh của Bose rất tuyệt vời, và SoundSport Wireless cũng kế thừa điểm này. Âm bass của tai nghe mạnh mẽ, mid ấm nhưng treble hơi thiếu, chất âm này thích hợp với các dòng nhạc trẻ, mới và sôi động, đòi hỏi âm thanh phải sung, nhiều lực và giàu năng lượng. Nhược điểm duy nhất của nó là hơi thiếu âm lượng. Vì thiết kế của nó không thể chặn hết tạp âm bên ngoài nên nếu có thể đẩy âm lượng lên cao hơn một chút thì sẽ tốt với trải nghiệm nghe nhạc hơn. Chất lượng cuộc gọi tốt.
Thời lượng pin
Pin của Bose SoundSport Wireless có thể trụ được 6 tiếng cho mỗi lần sạc đầy, điều này khá gây thất vọng bởi ai cũng sẽ nghĩ kích thước của nó lớn thì pin phải lâu hơn mức trung bình. Dù sao thì khoảng thời gian 6 tiếng cũng quá đủ để bạn hoàn tất chương trình luyện tập rồi. Nếu muốn sử dụng vào các mục đích hàng ngày bạn có thể dùng hộp sạc đi kèm, có thể sạc đầy 3 lần, mỗi lần chưa đến 90 phút.
Tổng kết
Bose SoundSport Wireless có giá bán trên trang chủ của Bose là 4.499.000 đồng. Ở mức giá này thì nếu bạn không ưa lắm vẻ ngoài của Bose SoundSport thì có thể cân nhắc Jaybird X4 hay Jaybird Tarah, tuy nhiên về mặt chất âm thì khẳng định không bắt kịp Bose đâu. Tóm lại, theo ý kiến của mình thì giá của Bose SoundSport Wireless không hề rẻ nhưng những gì nó đem lại rất xứng đáng với số tiền bạn bỏ ra.