Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Đánh giá Samsung Galaxy Book S: Thiết kế
Galaxy Book S rất mỏng manh và trọng lượng nhẹ đến bất ngờ. Nó được tung ra thị trường với hai phiên bản màu là màu đồng sáng tinh tế có tên ‘Earthy gold’ và màu bạc tiêu chuẩn ‘Mercury grey’. Cả hai phiên bản đều có lớp phủ kim loại bên ngoài và phần nhựa xung quanh bàn phím được làm thô ráp để gia tăng tiếp xúc.
Nhìn ở ngoài đã đủ đẹp, nhưng đến khi mở máy lên thì nó mới đúng thật là tuyệt tác. Màn hình cảm ứng Full HD 13,3 inch với phần bezel mỏng dính cực kỳ đẹp mắt. Ở phần viền phía trên có webcam 720p chất lượng khá tốt nhưng không có Windows Hello. Ngay phía dưới màn hình có 2 lỗ nhỏ, đó là 2 micro để mang đến chất lượng video call tốt hơn.
Bàn phím của chiếc laptop này được bố trí theo kiểu Scrabble nhìn rất đẹp mắt. Kích cỡ keycap to đảm bảo việc gõ được thoải mái nhất. Nhìn chung tổng thể bố cục bàn phím rất ổn. Song cảm giác gõ lại không ổn như thế, hành trình phím nông, phản hồi chưa thực sự tốt.
Touchpad có độ rộng đủ lớn để thực hiện các cử chỉ hai, ba, thậm chí là bốn ngón tay cùng lúc. Thêm vào đó có một máy quét vân tay ở góc trên cùng bên phải được tích hợp luôn vào nút nguồn giúp việc đăng nhập máy nhanh hơn.
Do thân hình rất mỏng nên số lượng cổng kết nối trên Galaxy Book S khá là hạn chế. Sẽ có 2 cổng USB-C (một ở cạnh trái, một cạnh phải), cả 2 đều có thể dùng để sạc và kết nối thiết bị ngoại vi. Ngoài ra còn có cổng 3.5 mm ở cạnh trái máy và khay thẻ SIM/micro SD ở mặt đáy.
Đánh giá Samsung Galaxy Book S: Màn hình – Âm thanh
Chất lượng màn hình của Galaxy Book S khá tốt. Kích thước 13,3 inch kết hợp với độ phân giải 1920 x 1080 pixels vẫn có đủ độ sắc nét để trải nghiệm phim ảnh hay thiết kế đồ họa. Độ sáng màn hình chưa phải cao lắm, mình đã đo và đạt kết quả 378 cd/m2, dải màu sRGB nằm ở mức 94,5% và tỷ lệ tương phản 1.290:1.
Mình cũng rất ấn tượng với hệ thống loa của Galaxy Book S. Mặc dù không có nhiều bass nhưng âm thanh phát ra từ chiếc laptop mỏng nhẹ này rất ấm áp và trong trẻo, nhất là khi đàm thoại. Nếu bạn có sở thích nghe các bản nhạc nhẹ nhàng như cổ điển, hòa tấu thì hẳn hệ thống loa này sẽ khiến bạn hài lòng.
Đánh giá Samsung Galaxy Book S: Hiệu năng ngang ngửa Core i5
Để có một chiếc máy tính xách tay siêu di động thế này Samsung cũng phải đánh đổi khá nhiều thứ, đáng chú ý nhất là bộ xử lý. Máy sử dụng con chip Qualcomm Snapdragon 8cx, theo lời hãng thì con chip này có hiệu suất ngang ngửa với Intel Core i5-1035G4 lõi tứ nhưng ít sinh nhiệt và cho thời lượng pin dài hơn. Tuy nhiên phát biểu này cũng chỉ mang tính tương đối mà thôi. Mình đã test và cảm nhận rõ ràng nó vẫn có nhiều thua kém so với con chip Core i5, nhưng nhỉnh hơn các CPU thấp hơn. Sự khác biệt này sẽ ngày càng rõ rệt khi bạn sử dụng máy lâu. Dùng khoảng vài tiếng thì mở trình duyệt lên sẽ mất thêm vài giây để loading, các trang tính nhiều dữ liệu cũng gặp vấn đề tương tự.
Mặc dù vậy mình chưa bao giờ nản lòng với hiệu suất của nó nếu chỉ dùng để thực hiện các công việc nhẹ nhàng như lướt web, gõ văn bản, xem video. Với những tác vụ này thì chênh lệch hiệu suất với laptop core i5 là không dễ nhận ra. Thêm nữa, do máy có thời lượng pin tuyệt vời nên quá đủ để lấp vào khoảng trống hiệu suất chênh lệch.
Mặt khác, một điểm cộng của Galaxy Book S là có tốc độ đọc/ghi cực tốt, tương ứng 1991Mb/giây và 422MB/giây. Nếu bạn cần sao lưu lượng lớn dữ liệu vào ổ cứng thì không cần phải chờ đợi quá lâu.
Chuyển sang kết nối, mình thấy hỗ trợ LTE cực kỳ hữu ích. Với SIM 4G mình có thể online làm việc ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Lưu ý rằng bản Intel của Galaxy Book S không có khe cắm thẻ SIM nhé, thay vào đó nó hỗ trợ Wifi 6. Khi mua máy các bạn nên kiểm tra kỹ xem máy trang bị CPU Intel hay Qualcoom nhé, vì giữa hai hệ máy này có sự khác biệt khá đáng kể đấy.
Cuối cùng, hạn chế lớn nhất của con chip Snapdragon 8cx là nó gặp nhiều vấn đề về tương thích. Hầu như tất cả các ứng dụng lớn như Netflix, Spotify, Google Chrome đều hoạt động tốt nhưng rất khó để tải về các ứng dụng của bên thứ 3 và nó mới chỉ hỗ trợ phiên bản 32-bit mà thôi.
Đánh giá Samsung Galaxy Book S: Thời lượng pin
Theo quảng cáo của Samsung thì Galaxy Book S có thể sống được qua một ngày chỉ với một lần sạc. Song thực tế cũng không khoa trương đến vậy, nó chỉ được tầm 15 giờ thôi. Thế nhưng 15 giờ cũng là con số rất đáng hoan nghênh khi mà đa phần laptop đều chỉ duy trì được 10 giờ sử dụng. Ngay cả khi dùng 4G liên tục mình vẫn có thời gian dư dả cho một ngày làm việc.
Mặt khác, Galaxy Book S không sử dụng bộ sạc chuyên dụng mà dùng dây cáp USB-C phổ thông nên rất dễ thay thế trong trường hợp bạn làm mất.
Có nên mua Samsung Galaxy Book S không?
Để biết bạn có nên mua chiếc laptop Samsung này hay không, có lẽ chúng ta nên loại trừ một số trường hợp. Đầu tiên, nếu bạn không chỉnh sửa video, không sử dụng phần mềm x64 hoặc không chơi game đồ họa 3D thì Galaxy Book S rất hợp với bạn. Ngoại trừ các trường hợp đó ra thì Galaxy Book S phù hợp với tất cả mọi người. Nó có thể xử lý các tác vụ đơn giản như duyệt web, check mail, gõ văn bản rất tốt, kể cả stream. Pin của máy có thể dùng đến 2 ngày, có LTE và trọng lượng cực nhẹ dễ dàng theo bạn đi bất kỳ đâu.
Giá của thiết bị là 999 USD (tương đương 23,1 triệu đồng), cảm giác hơi đắt so với một số mẫu laptop cấu hình tốt hơn, tuy nhiên xét ở khía cạnh ngoại hình thì mình thấy mức giá đó rất có tính cạnh tranh.