Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Thay vì sử dụng một cảm biến lớn hơn như 24.3 MP trên chiếc Nikon D610 hay cảm biến 36.3 MP như trên Nikon D800, Nikon đã chọn sử dụng bộ cảm biến 16.2 MP cho Nikon Df.
Việc sử dụng cảm biến 16 MP cũng không hoàn toàn là một điểm yếu, do trên cảm biến độ phân giải thấp hơn thì kích cỡ điểm ảnh sẽ lớn hơn và nhờ đó sẽ thu được nhiều sáng hơn, tạo ra tín hiệu mạnh và ít đòi hỏi phải phóng đại tín hiệu. Nhờ đó, ảnh sẽ ít nhiễu hơn và “sạch” hơn.
Nikon Df được trang bị vi xử lý hình ảnh EXPEED 3 giống như Nikon D610, D800 và D4. Nhờ đó, máy hỗ trợ ISO từ 100 – 12.800, và với các tùy chỉnh mở rộng có thể đạt ISO 50 – 204.800, ngang ngửa với D4.
Nikon Df có khả năng chụp liên tiếp với tốc độ 5,5 khung hình/giây với tối đa là 100 bức ảnh. Ảnh được lưu trên thẻ nhớ chuẩn SD/SDHC/SDXC. Không giống như những chiếc máy ảnh FX khác của Nikon, bạn chỉ có 1 cổng cắm thẻ trên Nikon Df.
Df chỉ có một khe cắm thẻ nhớ
Trong khi Nikon Df có thân hình mới hoàn toàn, với dáng vẻ mang đậm tính hoài cổ, phần lớn các chi tiết đều không quá xa lạ. Hệ thống lấy nét sử dụng module Multi-CAM 4800 giống như D610 và có 39 điểm lấy nét tự động. Màn hình LCD phía sau lưng máy là loại 3.2 inch với độ phân giải cao. Bạn có thể hiển thị lưới 9 ô trên màn hình. Bạn có thể crop ảnh để thu được ảnh tỉ lệ 16:9 hoặc 1:1.
Nikon Df giống với một chiếc SLR hơn là một chiếc máy ảnh không gương lật, và do đó có ống ngắm quang học cho phép bạn nhìn hình ảnh trực tiếp từ ống kính. Trường nhìn của ống ngắm là 100% với độ phóng đại 0.7x, bên cạnh khả năng crop DX khi gắn ống DX.
Màn hình của Df có kích cỡ bằng với D610
Với tính năng dual-axis digital level (cân bằng số hai trục ngang dọc) được tích hợp, hình ảnh trên màn hình LCD sẽ được căn chỉnh theo độ nghiêng của máy ảnh, nhằm đảm bảo hình ảnh luôn được cân bằng cho dù tay cầm máy của bạn có thể đang bị nghiêng. Tính năng này cũng được áp dụng khi bạn sử dụng kính ngắm.
Đặc biệt, Nikon Df là máy ảnh đầu tiên được trang bị một cần gạt đặc biệt mà Nikon gọi là collapsible metering coupling lever cho phép máy ảnh này gắn được trực tiếp mọi ống kính Nikkor, kể cả dòng ống kính cũ Non-AI. Bạn có thể đo sáng với khẩu độ tối đa trên các ống kính Non-AI trong chế độ ưu tiên khẩu độ hoặc trong chế độ chỉnh phơi sáng tay như là với các ống Al Nikkor, nghĩa là bạn có thể đo sáng với khẩu độ tối đa trong tất cả các chế độ phơi sáng.
Nikon Df có 4 chế độ phơi sáng PSAM quen thuộc, song lại không có các chế độ hoàn toàn tự động hoặc chọn cảnh. Tuy vậy, máy có các chế độ Picture Control quen thuộc cho phép chỉnh sửa ảnh JPEG và tạo ra các bức ảnh có hiệu ứng ngay trên máy.
Rất tiếc, Nikon Df lại bị thiếu mất một số tính năng cơ bản. Trước hết là đèn flash pop-up, một điều không đáng ngạc nhiên lắm vì đây là một chiếc máy full-frame hoài cổ có hotshoe. Nikon Df cũng không có khả năng quay video: đây là một chiếc máy ảnh dành riêng cho chụp ảnh.
Cuối cùng, Nikon Df không được tích hợp Wi-Fi, song lại tương thích với Adapter WU-1a của Nikon cho phép chia sẻ ảnh lên smartphone hoặc tablet. Bạn cũng có thể sử dụng đầu nhận không dây WR-r10 và đầu phát WR-T10 để điều khiển Nikon Df từ xa.
Thiết kế
Trong khi vẫn có kích cỡ khá lớn, Nikon Df nhỏ hơn nhiều so với D610. Thiết kế của Df cũng góc cạnh hơn khá nhiều.
“Hoài cổ” là từ đầu tiên bạn sẽ dùng để nói về Df
Mặc dù Nikon Df cố gắng chạy theo các mẫu SLR xưa cũ của Nikon, các vật liệu hiện đại và một số chi tiết thiết kế vẫn tiết lộ rằng đây là một chiếc máy ảnh hiện đại. Không chỉ có dáng hoài cổ, Nikon Df còn có khả năng chống chịu thời tiết không kém gì D800.
Nikon muốn xây dựng Df trở thành chiếc máy ảnh có trải nghiệm sử dụng thú vị không kém gì những bức ảnh tạo thành. Các thông số quan trọng như tốc độ cửa trập, ISO, bù sáng đều được đưa vào các bánh xe điều khiển phía trên đỉnh máy. Khi lựa chọn tùy chọn 1/3 Step trên bánh xe điều chỉnh tốc độ cửa trập, bạn có thể sử dụng thêm một vòng xoay bánh xe khác, nằm ngay phía trên phần để ngón cái để thay đổi tốc độ cửa trập.
Bạn cần phải mở khóa trước khi chỉnh tốc độ cửa trập và bù phơi sáng bằng cách nhấn các nút khóa nằm ở giữa bánh xe bù phơi sáng và cửa trập. Nút khóa chỉnh ISO nằm ở bên cạnh vòng điều chỉnh, ở góc dưới bên trái của bánh xe bù sáng.
Bạn cũng có thể điều chỉnh X (đồng bộ flash), T (mở cửa trập tới khi nhấn lần thứ 2) và chế độ bulb (mở cửa trập cho tới khi nhả nút). Ở giữa nút chụp có một lỗ nhỏ để gắn dây bấm mềm theo kiểu truyền thống.
Phía trên đỉnh máy dày đặc các nút bấm
Ở bên phải phần phía trên đỉnh máy là vòng xoay chọn chế độ MASP. Vòng xoay này là cần thiết vì Nikon Df hỗ trợ cả các mẫu ống kính mới không có vòng khẩu và các mẫu ống cũ có vòng khẩu.
Chế độ lấy nét trên Nikon Df giống như các mẫu SLR mới gần đây của Nikon: khi nhấn nút chọn ở gần mount ống kính và kết hợp với các bánh xe mặt trước và ở mặt bên của máy, bạn có thể chọn các chế độ tự động lấy nét như Single-AF, Continuous-AF…
Bạn cũng có thể tùy chỉnh chế độ đo sáng cho Nikon Df từ mặt sau của máy; một nút bấm mặt trước kết hợp cùng các bánh xe để lựa chọn các chế độ bracket.
Hiệu năng
Do mẫu Nikon Df mà TechRadar thử nghiệm mới chỉ là các sản phẩm mẫu, chúng ta sẽ phải đợi tới ngày máy chính thức phát hành để nhận xét về chất lượng ảnh chụp. Tuy vậy, do Nikon Df có cảm biến và vi xử lý giống như D4, mẫu SLR cao cấp nhất của Nikon, có thể dự đoán rằng Nikon Df sẽ có chất lượng ảnh chụp rất tốt.
Nhờ có độ phân giải chỉ 16MP, Nikon Df sẽ chụp tốt hơn trong điều kiện thiếu sáng. Nhờ đó, bạn có thể sử dụng Nikon Df trong nhiều trường hợp sử dụng.
Chất lượng hình ảnh từ ống ngắm của Nikon Df rất sáng và rõ ràng, cho phép hiển thị nhiều chi tiết. Những người dùng có một bộ sưu tập nhiều ống lấy nét tay sẽ rất thích Nikon Df.
Màn hình lớn của Nikon Df cho phép bạn lấy nét chính xác, song chưa rõ liệu màn hình này có bị vấn đề quá nhấn vào tông màu lạnh như màn hình của D610 hay không. Trong một số trường hợp xấu, bạn có thể chỉnh cân bằng trắng sai dẫn tới ảnh có màu quá ấm.
Hệ thống đo sáng có lẽ sẽ hoạt động ổn định trong phần lớn các trường hợp. TechRadar đã thử nghiệm cảm biến RGB 2.016 pixel và hệ thống Nhận diện Cảnh vật và đạt được kết quả rất tốt.
Chất lượng ảnh chụp
Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Jeremy Walker đã đưa ra những nhận xét ban đầu về chất lượng ảnh chụp của Nikon Df:
“Đúng như bạn dự đoán, Nikon Df có chất lượng chụp rất tốt trong điều kiện chụp thiếu sáng, ISO cao, giúp tạo ra những bức ảnh rõ ràng và sắc nét với ISO 1600 và có khả năng làm được nhiều hơn nữa. Nikon Df là một viên ngọc quí cho những người chụp ảnh trên đường phố hoặc di chuyển nhiều.
Nhưng Nikon Df không chỉ dành riêng cho lĩnh vực chụp ảnh thiếu sáng. Tôi đã chụp ảnh phong cảnh với Nikon Df, đi lên những ngọn núi trong nhiều giờ liền, cảm thấy vừa lòng với chiếc máy nhẹ có thể chụp ảnh rõ ràng và sắc nét. Với những bức panorama của tôi, Nikon Df là một chiếc máy ảnh tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng đây là một máy ảnh tốt cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mang theo để sử dụng làm máy ảnh phụ. Nikon Df nhỏ và nhẹ, và cũng không chiếm quá nhiều chỗ trong túi đựng, giống như FM2 bổ trợ cho F3 vậy.
Tôi dùng Df được 4 tuần, và chắc chắn đã trải qua tất cả các trải nghiệm. Tôi thích Nikon Df, và rất ấn tượng về chất lượng ảnh chụp.
Đây không phải là một bài đánh giá, mà chỉ là những suy nghĩ ban đầu của tôi. Liệu tôi có mua một chiếc Nikon Df hay không?
Chắc chắn là có”.
Sau đây là những bức ảnh do Nikon “đặt hàng” Walker chụp bằng Df:
Kết luận
Hệ thống điều khiển của Df rất dễ sử dụng, máy cũng khá chắc chắn và tiện dụng. Độ phân giải 16 MP là đủ cho phần lớn các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp – điều này đã được chứng minh qua thành công của Nikon D4.
Tuy vậy, với mức giá gốc lên tới 2650 bảng Anh tại thị trường Anh (tức khoảng 90 triệu đồng), Nikon Df là một chiếc máy ảnh nằm ngoài tầm với của nhiều người. Theo các công ty bán lẻ, mức giá này sẽ không phải là một trở ngại quá lớn nếu như Nikon tung ra được một sản phẩm cuối thực sự chất lượng. Dựa trên những tín hiệu ban đầu, có thể nói Nikon Df chắc chắn sẽ trở thành sản phẩm mơ ước cho các tín đồ nhiếp ảnh trong thời gian tới.
Theo Vnreview