Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Có nên mua máy làm sữa đậu nành?
Một trong những câu hỏi mà các chị em nội trợ hay hỏi trên các diễn đàn khi đắn đo xem có nên mua máy làm sữa đậu nành không, đó là “máy này tiện lợi thì chắc rồi nhưng không biết sữa có ngon như mình xay bằng máy xay sinh tố và lọc bằng vải không nhỉ?”. Tôi cũng từng có thắc mắc này và thực ra cho đến tận lúc hãng Komasu cho mượn một chiếc để đánh giá, tôi vẫn chưa mua và dùng máy làm sữa đậu nành bao giờ.
Tôi đã từng một vài lần tự làm sữa đậu bằng cách dùng máy xay sinh tố, xay nhuyễn rồi dùng khăn vải để lọc, sau đó cho vào nồi đun sôi. Cái “mệt” của việc làm sữa đậu nành thủ công là phải canh lửa và liên tục khuấy đều sữa để tránh sữa lắng dưới đáy nồi gây khét, đồng thời hớt bọt và váng sữa (do sữa nóng tiếp xúc với không khí lạnh nên luôn có xu hướng hình thành lớp váng trên bề mặt), nên không thể bỏ đấy mà đi làm việc khác được. Ngoài ra, theo khuyến cáo trên mạng, nếu sữa đậu nành nấu không kỹ sẽ gây đầy bụng khó tiêu khi uống, nên tôi thường không chắc sữa đã đủ chín chưa, do đó thời gian nấu sữa trên bếp thường kéo dài từ 30-40 phút, chưa kể thời gian xay lọc trước đó, thành ra mỗi lần bày ra làm là phải có thời gian, và làm xong thì cũng ngại làm lại, nên muốn uống sữa đậu nành thì nhanh nhất chỉ có ra chợ mua vài túi về uống. Do đó, nếu muốn uống sữa đậu nành thường xuyên, tôi nghĩ nên mua một chiếc máy.
Máy làm sữa đậu nành hiện có rất nhiều mẫu mã và thương hiệu trên thị trường, với giá từ khoảng 800.000 – 1.500.000 đồng, một số loại cao cấp hơn có thể lên đến 2,5 triệu đồng, các loại máy đa năng có thêm chức năng xay thịt, sinh tố giá từ 3-4,5 triệu đồng. Máy làm sữa đậu nành có hai loại dùng cơ chế lọc khác nhau, loại lọc trong sử dụng một màng lọc ngăn giữa khay đựng đậu và ngăn chứa sữa đậu, tuy tiện dụng nhưng khó vệ sinh, còn loại lọc ngoài chỉ có phần mô tơ gắn dao xay và các thanh cảm nhiệt, đưa trực tiếp vào bình nấu, việc lọc bã đậu được thực hiện bằng cách dùng rây lọc ngoài và bình đựng sữa kèm theo máy. Ngoài ra còn có loại máy quảng cáo là không cần lọc bã, máy xay nhuyễn hạt đậu và cứ thế uống luôn, nhưng thực tế đây vẫn là loại lọc trong, song hạt đậu được xay mịn hơn nên phần bã bỏ đi ít hơn.
Mức giá chênh lệch giữa các loại máy làm sữa đậu chủ yếu là do chất liệu vỏ máy và chức năng kèm theo. Các máy giá rẻ trên thị trường hầu hết dùng chất liệu nhựa cho cả phần bình đun và phần ruột máy, chỉ trừ thanh nhiệt và dao xay làm bằng inox, trong khi các loại đắt tiền hơn có bình đun làm bằng inox cộng với ruột máy làm bằng nhựa, còn loại cao cấp thì tất cả các chi tiết tiếp xúc với đậu nành đều làm bằng inox, trừ phần vỏ nhựa cách nhiệt bên ngoài mang tính trang trí. Về chức năng, ngoài khả năng xay đậu nành cả ở dạng khô và dạng ướt, làm sữa ngũ cốc hoặc sữa bắp, một số máy làm sữa đậu còn tích hợp chức năng nấu cháo hoặc xay sinh tố, thậm chí xay thịt, có máy thêm chức năng làm tào phớ, đậu phụ…, tất nhiên càng nhiều chức năng càng đắt tiền.
Dùng thử và cảm nhận về máy làm sữa đậu nành Komasu KM349
Chiếc máy làm sữa đậu nành mà tôi dùng thử và đánh giá lần này là chiếc KM349 của hãng Komasu. Máy có màu xanh ngọc dịu mắt, bình đun bằng inox có quai cầm và đế bằng nhựa, phần nắp chứa mô-tơ cũng làm bằng nhựa cao cấp với bảng điều khiển điện tử, thanh nhiệt và hai thanh cảm ứng nhiệt trên dưới bằng inox. Máy còn có một cốc nhựa nhỏ lắp bao quanh lưỡi dao, có các khe nhỏ để luôn đưa hạt đậu chưa xay nhuyễn vào tầm hoạt động của lưỡi dao. Phụ kiện kèm theo máy có một bình đựng sữa bằng nhựa, rây lọc ngoài, cốc đong và miếng vải xơ dùng để vệ sinh máy. Máy được bán rộng rãi trên thị trường với giá khá chênh lệch, từ 890.000 – 1.200.000 đồng, bạn có thể mua máy với giá tham khảo là 930.000 đồng.
Komasu KM349 và các phụ kiện kèm theo
Máy gồm 2 bộ phận chính là bình đun bằng inox và phần nắp chứa mô tơ và dao xay, trong đó phần ruột máy bằng nhựa trắng, một cốc nhựa bao quanh dao xay có thể tháo rời
Phần quai cầm của bình đựng sữa được để riêng, khi mới mua về bạn sẽ phải lắp vào
Bên trong bình đun inox có đánh dấu mức nước cho phép với vạch min (1,3 lít) và vạch max (1,5 lít) nhưng được dập không nổi rõ, lẫn với màu xám của lòng bình và bằng tiếng Trung Quốc nên phải nhìn kỹ mới thấy. Bạn chú ý không đổ nước thấp hơn vạch min và cao hơn vạch max để các thanh cảm ứng nhiệt của máy hoạt động chính xác, theo khuyến cáo thì bạn nên đổ nước ở khoảng giữa 2 vạch này.
Vạch đánh dấu mức nước có in chữ Trung Quốc khá mờ, phải nhìn kỹ mới thấy
Cốc đong kèm theo máy sẽ đong được lượng đậu là khoảng 80 g đậu khô (đong đầy hơi có ngọn), đủ cho một mẻ làm sữa đậu ở vạch min, nếu muốn làm được 1,5 lít sữa (vạch max) và sữa đặc hơn thì mỗi lần bạn dùng khoảng 90-100 g đậu khô, không nên làm nhiều đậu hơn khiến đậu xay không nhuyễn và có thể khê khét.
Máy có ba chế độ Dry Bean để xay đậu khô, Wet Bean để xay đậu ướt (đậu đã ngâm) và Cereal để xay các loại hạt khác (ngũ cốc). Khi dùng, bạn cho đậu vào bình inox, đổ nước đến vạch min hoặc giữa vạch min và vạch max, đặt phần nắp chứa mô tơ lên trên, cắm điện, chọn chế độ và đợi khoảng 20 phút đến khi có bản nhạc là kết thúc chương trình.
Các chế độ hoạt động của máy
Chú ý, sau khi bấm chọn chế độ, máy sẽ xay đậu trong chỉ khoảng 5 giây, sau đó sẽ giữ yên lặng để đun sôi nước, trong suốt quá trình làm sữa máy sẽ thực hiện xay và nghỉ vài lần. Lúc đầu mới sử dụng, tôi thấy máy chỉ xay mấy giây rồi ngừng, không hiểu thế nào tưởng là mình thao tác chưa đúng nên thử nhấc ra thì thấy nước trong bình đã được làm nóng rất nhanh.
Tiếng nhạc kết thúc chương trình hơi nhỏ nên nếu bạn nấu sữa trong bếp và ngồi chơi xem tivi ở phòng khách thì có thể không nghe thấy tiếng nhạc, nhưng nếu máy đã kết thúc việc làm sữa thì bạn sẽ thấy đèn sáng ở cả ba nút chọn chương trình, đồng thời có tiếng tút tút ngắt quãng. Ngay khi máy làm sữa xong, bạn nên rút điện và vệ sinh luôn phần ruột máy bằng miếng vải xơ màu xanh kèm theo máy, nên để riêng miếng vải này chỉ dùng để làm sạch máy làm sữa đậu nành. Chú ý trong quá trình rửa các chi tiết máy như dao xay, các thanh nhiệt và cảm nhiệt, phần ruột máy bằng nhựa, cốc nhựa, không để nước bắn vào phần nút điều khiển trên nắp máy, nếu có dính nước thì phải lập tức dùng khăn khô lau sạch.
Nên rửa và tráng bằng nước sôi chiếc rây lọc và bình nhựa đựng sữa trước khi lọc sữa. Đổ nhẹ sữa vào rây, sau đó dùng thìa ấn nhẹ để lấy thêm nước sữa, sau đó đổ bỏ bã và vệ sinh rây lọc ngay để tránh bã đậu bám vào rây sẽ khó làm sạch và gây nhiễm khuẩn. Để vệ sinh rây lọc, bạn nên mua một bàn chải nhỏ mềm sẽ rất dễ rọ rửa.
Nên dùng loại bàn chải như hình minh họa trên để vệ sinh rây lọc
Máy KM349 xay đậu khá nhuyễn nhưng vẫn còn một số hạt chưa được xay mịn. Sữa lọc xong uống ngon nhưng để một lúc tinh đậu lắng xuống sẽ thấy hơi lợn cợn khi uống, bạn có thể uống luôn cả phần tinh đậu này cho có thêm chất xơ, hoặc lọc lại qua rây một lần nữa.
Mặc dù máy xay đậu khá nhuyễn nhưng khi lọc vẫn bị lọt một ít tinh đậu, bạn có thể để một lúc cho tinh đậu lắng xuống, hoặc lọc lại một lần nữa
Nếu lười ngâm đậu, bạn có thể dùng chế độ xay đậu khô của máy. Gọi là xay khô nhưng bạn đừng cho thẳng đậu khô vào mà nên rửa đậu bằng nước sạch vài lần cho hết các chất bẩn bám ở vỏ, bởi xay khô là xay đậu không qua khâu ngâm đậu. Khi xay ở chế độ này, tôi nghĩ máy xay sẽ rất ồn do đậu cứng hơn, nhưng thực tế không khác gì so với xay đậu ngâm, nước đậu cũng ngon, thậm chí thấy thơm hơn do không có mùi chua nhẹ của đậu ngâm lâu, tuy nhiên đậu xay không nhuyễn bằng, bã đậu lớn hơn và nước đậu lợn cợn nhiều cần phải lọc lại uống mới ngon. Theo tìm hiểu của tôi, các loại máy làm sữa đậu nành dùng rây lọc ngoài hầu như đều có hiện tượng này, muốn nước đậu hoàn toàn không có tinh đậu lợn cợn thì phải lọc lại, tuy nhiên việc lọc lại này cũng nhanh.
Bã đậu khi xay đậu ngâm (ảnh trái) và bã đậu khi xay đậu khô (ảnh phải), cho thấy máy xay đậu khô không được nhuyễn
Để dùng máy được bền và được nhiều sữa hơn, bạn nên ngâm đậu ít nhất 5 tiếng. Chú ý không dùng nước nóng để ngâm đậu, trong quá trình ngâm nếu có thể nên thay nước ngâm vài lần, ngâm nhiều nước. Trước đây tôi thường ngâm đậu với lượng nước chỉ vừa đủ ngập đậu, song cách này sẽ khiến đậu bị chua. Đậu ngâm xong nên xát bỏ vỏ đậu, tuy nhiên không cần cầu kỳ lọc bằng sạch vỏ đậu, nếu có sót lại ít đậu chưa bong vỏ cũng không sao, chỉ cần rửa kỹ đậu để tránh gây bọt nhiều trong quá trình nấu sữa có thể khiến máy không vận hành được chính xác, sữa không sôi.
Để tiết kiệm thời gian làm sữa đậu nành mỗi ngày, cách vài ngày bạn lại ngâm một lúc 2-3 lạng đậu vào buổi sáng trước khi đi làm, buổi tối xát vỏ đậu và rửa sạch, sau đó cho vào bát lớn và đổ ngập nước xấp mặt đậu rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh, mỗi sáng bạn chỉ cần lấy ra một phần đậu rửa lại với nước và bỏ vào máy xay, làm hết lại ngâm đậu tiếp. Như vậy bạn sẽ chỉ mất khoảng 10 phút cho việc làm đậu nành buổi sáng, bao gồm 5 phút cho việc rửa đậu và vận hành máy, và 5 phút rửa máy sau khi máy làm sữa xong.
Uống một ly sữa đậu nành tự làm vừa ngon vừa sạch sẽ mỗi buổi sáng sẽ cho bạn thêm năng lượng đón chào ngày mới
Kết luận
Máy làm sữa đậu nành Komasu KM349 có giá rẻ, chức năng cơ bản, bình đun bằng inox, cách sử dụng đơn giản, phù hợp với việc sử dụng thường xuyên trong gia đình. Tuy nhiên, một số chi tiết máy tiếp xúc với sữa đậu vẫn còn làm bằng nhựa, có thể không được lựa chọn bởi những người tiêu dùng đòi hỏi cao về độ an toàn với sức khỏe, ngoài ra đậu xay chưa thật mịn.
Tôi đã quyết định mua một chiếc KM349 sau quá trình dùng thử, vì mặc dù có một số nhược điểm như kể trên, việc làm sữa và cả khâu vệ sinh máy đều rất đơn giản và tiết kiệm thời gian so với việc nấu sữa thủ công, cả nhà thường xuyên được uống sữa đậu tự làm, vừa ngon vừa an toàn hơn so với mua sữa ngoài chợ. Nếu thích uống sữa đậu nành, bạn hãy mua cho mình một chiếc nhé, không nhất thiết là chiếc KM349 này mà bất cứ loại nào phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của bạn.
Theo Vnreview