Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Không chỉ ấn tượng bởi thiết kế bắt mắt, sang trọng và không kém phần chắc chắn. Fujifilm X-T1 còn làm người dùng ấn tượng bởi chất lượng hình ảnh cao mà nó cung cấp. Với việc được trang bị cảm biến X-Trans CMOS II kích cỡ 23,6 x 15,6 mm , độ phân giải 16,3Mp cùng vi xử lý hình ảnh EXR Processor II, máy X-T1 sẽ là đối thủ đáng gờm với các dòng máy ảnh không gương lật khác.
Đánh giá thiết kế của Fujifilm X-T1
Thiết kế của máy ảnh X-T1 chỉ có thể gói gọn trong hai chữ: “tuyệt vời”. Cũng giống như các mẫu máy ảnh khác trong dòng X, lớp thân máy được xây dựng từ hợp kim ma-giê không chỉ tạo nên sự mạnh mẽ, chắc chắn cho XT-1, mà nó còn tạo ra lực bám rất chắc chắn trong lòng bàn tay.
Fujifilm X-T1 có thiết kế sang trọng, và chắc chắn với thân làm bằng magie
Phần thân phía trên của X-T1 có rất nhiều bánh xe điều chỉnh bằng nhôm được thiết kế khá đẹp. Các bánh xe này được dùng để điều chỉnh độ nhạy sáng ISO và chế độ chụp được đặt cùng một điểm bên góc trái cạnh đỉnh, bên phải là các bánh xe điều chỉnh tốc độ cửa trập và mức bù phơi sáng.
Phần thân phía trên của X-T1 có rất nhiều bánh xe điều chỉnh bằng nhôm được thiết kế khá đẹp
Ở phía trước, bên phải thân máy là báng máy giúp việc cầm máy thuận tiện và chắc chắn hơn. Đồng thời, X-T1 cũng là một mẫu máy ảnh có khả năng chống chọi rất tốt với môi trường: Thân máy có tới 75 vị trí được bịt kín để chống bụi, ẩm. Nhiệt độ hoạt động thấp nhất của X-T1 là -10 độ C.
Một điểm đặc biệt khác về X-T1 là phần ống ngắm được bọc ngoài bởi một lớp đệm cao su khá lớn. Nút Q-Menu đặt rất gần vị trí để ngón cái khi cầm máy, giúp bạn có thể nhanh chóng bật các tùy chỉnh cân bằng trắng, giả lập phim, chỉnh DR (dải động) và AF (lấy nét tự động). Nút điều khiển 4 hướng không có các biểu tượng lên, xuống, phải và trái quen thuộc. Lý do là bởi Fujifilm cho phép người dùng tùy chỉnh 4 nút bấm này.
Các cổng kết nối, và khe cắm thẻ nhớ được bố trí hai bên hông máy
Phần hông bên phải máy là nơi đặt khe cắm thẻ nhớ SD, hông bên trái là nơi đặt các cổng kết nối như micro-USB, mini-HDMI, cổng microphone và khe cắm dây bấm mềm, tất cả các cổng đều có nắp đậy kín và chắc chắn. Phần đế máy như thường lệ được bố trí ren để cắm tripod, vùng pin.
Tính năng của Fujifilm X-T1
Fujifilm trang bị cho máy ảnh X-T1 của mình cảm biến X-Trans CMOS II kích cỡ 23,6 x 15,6 mm , độ phân giải 16,3Mp. Với cấu trúc giống với cảm biến phim hơn các loại cảm biến thông thường khác, cảm biến X-Trans CMOS II của X-T1 có thể hạn chế tối đa hiện tượng nhiễu vân sọc (moire) và màu “giả”, giúp người dùng không cần phải mang theo màng lọc khử răng cưa bên mình khi chụp ảnh. Không chỉ có vậy, cảm biến X-Trans CMOS II còn có 100.000 pixel phát hiện pha (phase-detection) tích hợp nhằm giúp tạo ra hệ thống lấy nét tự động “lai” siêu nhanh có thể tận dụng được cả lợi thế của lấy nét theo pha lẫn lấy nét theo độ tương phản.
Fujifilm trang bị cho máy ảnh X-T1 của mình cảm biến X-Trans CMOS II kích cỡ 23,6 x 15,6 mm , độ phân giải 16,3Mp
Máy ảnh Fujifilm X-T1 sử dụng vi xử lý hình ảnh EXR Processor II, cùng một thuật toán lấy nét tự động đã từng được sử dụng trên chiếc XE-2 nhằm cải thiện độ chính xác trong điều kiện thiếu sáng, với thời gian khởi động chỉ là 0,5 giây và thời gian trễ cò máy chỉ là 0,05 giây.
Máy ảnh Fujifilm X-T1 có ống ngắm 0.77x độ phân giải 2,36 triệu chấm. Màn hình độ phân giải 1.040k pixel tỉ lệ 3:2 được đặt ở ngay sau lưng máy, giống như các dòng DSLR thông thường. Với khả năng gập/mở, màn hình của X-T1 chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều khi chụp từ những góc hẹp cao hoặc thấp.
Máy ảnh Fujifilm X-T1 có ống ngắm 0.77x độ phân giải 2,36 triệu chấm
Kết nối Wi-Fi được tích hợp trong X-T1. Fujifilm cũng cung cấp một ứng dụng mới cho phép người dùng điều chỉnh nhiều tính năng hơn, bao gồm cả chọn điểm lấy nét tự động. Bạn có thể lựa chọn grip cầm tay có chứa pin cỡ lớn (VG-X-T1), hoặc lựa chọn grip cầm tay nhỏ hơn bằng kim loại. X-T1 có khả năng quay phim HD, song lại không có đèn flash tích hợp. Thật may mắn, Fujifilm đã cung cấp theo máy đèn flash ngoài dạng clip-on (gắn liền) lên hotshoe tiêu chuẩn.
X-T1 chỉ có thể chụp ảnh RAW ở ISO từ 200 – 6400, song cũng có thể chụp JPEG ở ISO từ 100 đến 12.800 hoặc 25.600. Tốc độ chụp của X-T1 khá tốt: 8 khung hình/giây ở chế độ lấy nét tự động liên tục hoặc 3 khung hình/giây ở chế độ live view, tức nhanh hơn X-E2 1 khung hình/giây và nhanh hơn X-Pro 1 tới 2 khung hình/giây. X-T1 cũng được trang bị tính năng “giả lập” phim truyền thống với các kiểu phim như Astia, Velvia và Provia. X-T1 có 4 chế độ chụp đơn sắc (monochrome).
Chất lượng ảnh của Fujifilm X-T1
Ảnh chụp của X-T1 từ ISO 100 đến 800 gần như không gặp bất cứ một vết nhiễu sáng nào cả. Ở ISO 1600, vi xử lý tín hiệu hình ảnh của máy có thể loại bỏ nhiễu trong ảnh JPEG khá tốt mà không làm mờ các chi tiết khác.
Ảnh chụp của X-T1 từ ISO 100 đến 800 gần như không gặp bất cứ một vết nhiễu sáng nào cả. Ở ISO 1600
Ở ISO 3200 và ISO 6400, ảnh chụp xuất hiện khá nhiều nhiễu, nhưng X-T1 vẫn có thể xử lý ảnh để tạo ra các bức JPEG đủ dùng cho ISO 12.800. Người dùng chụp ảnh RAW có thể sẽ thấy các mức ISO trên 1600 bị mất chi tiết, song những bức RAW ở ISO 6400 vẫn có chất lượng ở mức chấp nhận được.
Kết luận
Fujifilm X-T1 rõ ràng gây ấn tượng bởi thiết kế đẹp, chắc chắn và chất lượng hình ảnh khá tốt khi để ở mức ISO cao.
Tuy nhiên, bánh răng điều chỉnh ISO là khá bất tiện, nhất là khi sử dụng Fujifilm X-T1 với một ống kính lớn.
Minh Hường
(Theo dpreview)
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam
Tìm kiếm sản phẩm giá rẻ nhất Việt Nam