Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Ngoại hình, thiết kế và chất lượng hoàn thiện JBL GO 3
Nhìn vào JBL GO 3, ấn tượng đầu tiên dễ dàng nhận thấy là nó được bao bọc bởi một lớp vải trông sang trọng, và chắc chắn hơn so với lớp lưới bằng nhựa của JBl GO 2. Còn về mặt hình thức, nếu GO 2 vuông vức thì GO 3 có các cạnh, góc được bo tròn tinh tế hơn nhiều. Về kích thước và trọng lượng, JBL GO 3 có phần nhỉnh hơn GO 2 một chút, nhưng tổng thể nó vẫn gọn nhẹ, và với móc dây được thiết kế thêm, tính di động của nó thậm chí còn cao hơn người cũ.
Lý giải cho việc thêm lớp vải bọc ngoài cho GO 3, có thể tạm hiểu rằng JBL đang muốn gia tăng sức chống chịu cho nó. Và quả thật, với tiêu chuẩn chống bụi, chống nước IP67, GO 3 ăn đứt GO 2 ở khoản độ bền.
Ở một mặt loa, ta có cổng sạc USB-C và mặt khác là các nút chức năng (bật/tắt loa, kích hoạt Bluetooth). Bên dưới nút nguồn có đèn LED để cho biết trạng thái hoạt động của thiết bị.
Trên thân loa là các nút cao su nổi dùng để điều khiển nhạc, mô tuýp quen thuộc của JBL và nhiều hãng khác hiện nay. Các mặt còn lại của nó đều được trang bị đế cao su để giữ loa không bị trượt khi đặt trên mặt bàn, có thể đặt đứng hoặc nằm đều được.
Công nghệ Bluetooth 5.1 đảm bảo kết nối giữa loa và nguồn phát luôn ổn định trong phạm vi 10 mét, codec được hỗ trợ ở đây gồm A2DP1.3 và AVRCP 1.6. Về thời gian sử dụng, viên pin 2,7Wh cung cấp cho GO 3 5 giờ chơi nhạc liên tục nhưng nhược điểm là nó không có sạc nhanh, cần 2.5 giờ để sạc đầy.
Chất lượng âm thanh của JBL GO 3 như thế nào?
Bên trong JBL GO 3 chỉ có duy nhất một driver 1.5 inch (43 x 47 mm) nhưng có công suất đầu ra 4.1W, nhiều hơn so với JBL GO 2 (3.1W). Dải tần đáp ứng của nó là 110Hz – 20kHz và độ nhạy [<]85 dB. Mặc dù công suất của nó lớn hơn người tiền nhiệm đôi chút, nhưng rõ ràng cũng không thuộc kiểu ‘mồm to’ cho lắm vì âm lượng của nó cũng hơi có hạn, chỉ cung cấp độ rõ ở một khoảng không nhỏ mà thôi.
Về chất âm, GO 3 có âm thanh dễ chịu, khá chi tiết và đặc biệt là giọng hát nổi bật do âm trầm của nó tương đối yếu, đây cũng là tình huống chung của loa di động nhỏ gọn. Khi phát ở âm lượng bình thường (40 – 70%) ta vẫn sẽ cảm nhận được một chút âm trầm, nhưng khi tăng lên mức tối đa thì gần như không thấy nữa, chỉ còn lại âm trung và cao.
Mặt khác, âm thanh của nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào vị trí và cách đặt loa. Nếu đặt nằm thì âm trầm mà ta nghe thấy sẽ hơi biến dạng, đó là do âm thanh phản hồi xuống mặt phẳng và tạo ra hiệu ứng rung cộng hưởng. Để có âm thanh đúng nhất, bạn nên đặt nó đứng hoặc treo nó lên.
Giá bán JBL GO 3
JBL GO 3 có giá bán quốc tế được công bố là 40 USD (tương đương 920.000 đồng) và khi về Việt Nam có thể sẽ nhỉnh hơn một chút nhưng vẫn rất vừa tầm với túi tiền người dùng.
Nên mua JBL GO 3 hay không?
Về mặt thành công, phải nói rằng JBL GO 3 hoàn toàn cung cấp những gì xứng đáng với mức giá.
Thiết kế của nó có thể chưa hẳn là hoàn mỹ, nhưng tính thực dụng cao hơn so với thế hệ cũ là rõ ràng. Ngoài ra, tiêu chuẩn chống bụi và chống nước IP67 thực sự rất cần thiết đối với một chiếc loa di động ngày nay. Về âm thanh, nó không tệ, nhưng cũng không phải dạng quá hay, hoặc quá nổi bật.
Tóm lại, nếu bạn muốn một chiếc loa cung cấp âm trầm mạnh mẽ, giàu năng lượng thì GO 3 không đáp ứng được nhu cầu của bạn. Nhưng, nếu bạn cần một chiếc loa nhỏ gọn, giá tương đối rẻ và mọi thứ nói ở mức ổn thì JBL GO 3 là một lựa chọn mang tính tham khảo cao.