Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Máy ảnh nhỏ, cảm biến lớn
Ẩn trong Ricoh GR III là cảm biến APS-C 24MP, kích thước và độ phân giải tương tự cảm biến trên máy ảnh mirrorless thay đổi ống kính Sony A6400. Không chỉ thế, thế hệ GR mới nhất của Ricoh còn trang bị ống kính 18.3mm f/2.8 cố định trên thiết kế thân máy không to bao nhiêu so với thân máy Sony RX100 VI, một mẫu máy ảnh ngắm chụp với cảm biến loại 1″ nhỏ hơn nhiều. Thêm nữa, Ricoh còn nỗ lực đặt bằng được hệ thống ổn định sensor-shift vào thân máy — một thứ mà GR II không có — hóa ra lại hoạt động rất ổn với 4 stop chống rung. Đặc điểm này giúp chất lượng hình ảnh trở nên vượt trội hơn nhiều, nhất là trên một chiếc máy ảnh nhỏ như vậy.
Ở tầm giá $800, Ricoh GR III chưa đủ để lấy lòng số đông người dùng. Rõ ràng là máy không thể thay thế hoàn toàn smartphone, cũng không đủ độ linh hoạt như máy ảnh ngắm chụp với ống kính zoom hay các máy ảnh thay đổi ống kính lớn hơn.
Đổi lại, máy đơn giản và tiện dụng, cho phép bạn bám sát cảnh muốn chụp mà không phải vướng bận cồng kềnh hay thiết lập phức tạp, để bạn tận hưởng mọi khoảnh khắc chụp hình hào hứng đến tối đa,
Khẩu độ f/8
Giống với hầu hết các máy ảnh kích thước nhỏ khác, không gian cho bộ điều khiển trên Ricoh GR III có giới hạn. Mặc dù Ricoh đã tìm ra cách đặt hai nút xoay lệnh, ba jog wheel ba tác dụng, và mười nút bấm trên thân máy, thì tất cả các nút này nói chung đều nhỏ, khá là bất tiện khi cần điều chỉnh tức thì. Cách tốt nhất để làm việc với GR III là nên thiết lập sẵn và xong hết rồi mới chụp. Đo đạc cảnh cơ bản, khóa phơi sáng hoặc thiết lập cân bằng phơi sáng theo ý muốn, rồi sau đó chỉ cần tập trung duy nhất vào nút bấm màn trập và chụp ảnh.
Khi làm việc như vậy, GR III gần như trở nên vô hình. Nếu bạn chụp với máy ảnh DSLR kích thước lớn, bạn sẽ luôn có cảm giác mình lộ liễu, phơi bày với mọi thứ. Với Ricoh GR III, giữa bạn, máy ảnh và chủ thể ảnh của bạn sẽ như không còn khoảng cách.
Bởi vậy, rất dễ hiểu vì sao nhiếp ảnh đường phố và du lịch lại gọi tên Ricoh GR III. Kích thước nhỏ gọn và trọng lượng rất nhẹ cho phép bạn mang máy đi bất kỳ đâu, trong khi ống kính cố định tương đương 28mm full frame là tiêu cự rất ổn cho các ứng dụng chụp tư liệu, chụp kín.
Vấn đề duy nhất có lẽ nằm ở thời lượng pin chuẩn CIPA quá đỗi khiêm tốn, chỉ trụ được 200 lần phơi sáng. Với các máy ảnh khác, bạn có thể nâng thông số lên nhiều khi chụp thực tế, nhưng mọi chuyện lại không được như vậy trên GR III. Theo kết quả đánh giá thực tế, chỉ sau khoảng 120 bức hình, hiển thị pin chỉ còn một nấc duy nhất. Tốt hơn hết là thủ sẵn vài viên pin dự phòng bên người (một viên pin có giá $40 hoặc tầm 930,000 VNĐ). Nếu xui rủi, bạn có thể sẽ phải bỏ lỡ một vài khoảnh khắc do mải chụp và không thể kiểm tra pin thường xuyên, nhất là trong những môi trường như đường phố đông đúc.
May mắn là máy ảnh có thể sạc hoặc dùng nguồn từ cổng USB-C. Bạn có thể mang theo pin sạc dự phòng và cắm sạc khi cần thiết.
Tưởng không xuất sắc, mà xuất sắc không tưởng
GR II có thể là mẫu máy ảnh được nâng cấp hiện đại nhất từ thế hệ GR đầu tiên, nhưng GR III là mới toanh. Không chỉ bắt đầu từ cảm biến nhiều hơn 8MP về độ phân giải, mà ống kính trên thế hệ GR thứ ba còn được thiết kế lại hoàn toàn với một chế độ chụp macro có khả năng lấy nét đến khoảng cách chỉ 6 cm. Hệ thống lấy nét tự động (AF) cũng mới nốt, sử dụng cả nhận diện pha và nhận diện tương phản. Trong điều kiện ánh sáng thuận lợi, hệ thống này làm việc rất nhanh — dù không bằng những gì chúng ta thấy trên các máy ảnh không gương lật cao cấp.
Tương tự hai người tiền nhiệm, Ricoh GR III cũng có chế độ tùy chọn Snap Focus, lấy nét ở một khoảng cách đã thiết lập trước ngay khi bạn bật máy ảnh lên. Bạn có thể đặt bất kỳ khoảng cách nào mà bạn muốn, đây cũng là một cách hữu ích để khóa khoảng cách lấy điểm ngoại tiêu (hyperfocal distance; HFD) của khẩu độ đã cho, nếu bạn thích chụp theo cách như vậy. Snap Focus đồng nghĩa là không trễ AF, do vậy màn trập hoạt động ngay khi bạn nhấn nút.
Ricoh GR III chụp rất êm (tất nhiên là bạn phải nhớ tắt tiếng báo AF đi đã nhé). Máy sử dụng màn trập lá hầu như không gây ra bất kỳ tiếng ồn nào, dù tốc độ màn trập của bạn bị thiết lập khẩu làm giới hạn. Với khẩu mở lớn nhất ở f/2.8, tốc độ màn trập có thể đạt đến 1/2,500 giây, nhưng bạn sẽ cần giảm xuống f/5.6 để đạt đến tốc nhanh nhất là 1/4,000 giây. Lý do là vì màn trập phải đi một khoảng cách rất dài ở các khẩu mở lớn.
Nếu bạn muốn chụp ở f/2.8 nhưng thấy 1/2,500 không đủ thì cũng đừng lo: còn có một kính lọc giảm cường độ sáng (ND) 2 stop có sẵn trên máy. Bạn có thể chọn kính lọc này trong menu, gắn cho một nút chức năng hoặc đạt hẳn vào chế độ tự động. Giống như lắp một tấm kính lọc ND vào phía trước ống kính, kính lọc tích hợp này hữu ích khi chụp phơi sáng dài, cho phép bạn giảm tốc độ màn trập xuống 2 stop để chụp được các chi tiết nhòe do hành động. Kính lọc này vừa đủ hỗ trợ chụp ảnh thác nước thơ mộng — dĩ nhiên là bạn vẫn cần chân máy, nhưng bạn sẽ bớt được một phần gánh nặng từ trọng lượng.
Chất lượng hình ảnh
Khi bạn mới tải ảnh từ Ricoh GR III lên máy tính, bạn sẽ phải thốt lên một tiếng trầm trồ. Cảm biến của máy có thể nói là một trong những cảm biến APS-C tốt nhất trên thị trường hiện nay, cho ảnh rất rõ ràng và chi tiết ở mức nền ISO 100, với mức nhiễu hạt chấp nhật được lên đến ISO 6,400. Bạn có thể cố lấn thêm một chút, nhưng rồi nhiễu ảnh sẽ tăng đáng kể ở ISO 12.800, cũng như hiệu ứng ám màu sẽ ngả mạnh về phía tông tím.
Máy chụp ảnh RAW ở định dạng Adobe DNG mở, đồng thời các tập tin tương thích gần như mọi thứ. Ảnh JPEG có thể không gây ấn tượng lắm, nhưng ảnh RAW là một tầm cao khác của tính linh động hậu kỳ chưa từng thấy trên các máy ảnh khác trong phân khúc kích thước nhỏ như GR III. Bạn có thể chơi với màu sắc, chỉnh phơi sáng, khôi phục các chi tiết từ vùng tối một cách dễ dàng.
Trên hết, người anh hùng thực sự ở đây chính là chiếc ống kính. Ống kính sắc nét đáng nhạc nhiên, kể cả ở khẩu lớn nhất là f/2.8. Thật tò mò, không biết làm thế nào Ricoh có thể chế tạo hệ thống thấu kính tốt đến như vậy trong khi vẫn giữ được tổng thể máy ảnh hợp lý. Không có bộ lọc khử răng cưa (anti-aliasing) phía trước cảm biến, ống kính cho kết quả gây bất ngờ lớn. Tuy vậy, ảnh quá sắc nét cũng đánh đổi một số lỗi (dù không đáng kể), ví dụ như moiré khi chụp tóc hay các chi tiết rất nhỏ khác.
Nhận thức được điểm này, Ricoh bổ sung một bộ mô phỏng khử răng cửa để chữa lỗi. Đây là một tính năng mượn lại từ dòng máy ảnh Pentax (Ricoh sở hữu Pentax). Bộ mô phỏng này hoạt động bằng cách sử dụng hệ thống ổn định hình ảnh sensor-shift để rung cảm biến nhằm che khuất các chi tiết nhỏ, từ đó xóa mờ moiré. Bạn có thể bật tính năng này lên từ menu, có hai mức độ khác nhau để lựa chọn. Tính năng này rất hữu ích về cả độ phân giải và kiểm soát moiré.
Dù vậy, ống kính này có một nhược điểm là bị mờ viền (vignette) nặng, không chỉ ở khẩu độ lớn nhất. Ngay cả khi ở f/8, bạn cũng sẽ thấy các góc ảnh của mình bị mờ đi trông thấy. Với những ai thích nước ảnh có chút tâm trạng và cá tính thì lỗi này không đáng kể; nhưng với những ai không thích, mờ viền ở đây vẫn có thể giải quyết trong hậu kỳ.
Đối với những ai tìm kiếm yếu tố video trên Ricoh GR III thì chắc chắn sẽ muốn suy nghĩ lại. Máy quay cao nhất ở độ phân giải 1080p/60, chất lượng cũng không xuất sắc.
Tiểu kết
Máy ảnh Ricoh GR III là một thể loại hiếm gặp. Nó là quá đơn giản đối với những nhiếp ảnh gia nào đã quen làm việc với các loại máy ảnh phức tạp hơn, nhưng là bước tiến đáng kể với những ai lâu nay quen chụp ảnh bằng điện thoại. Ricoh GR III mới mẻ trong sự giản đơn, tiềm năng trong khả năng của nó. Máy không thể zoom, không quay video đẹp, không chụp được lâu, nhưng nó có thể đem lại trải nghiệm chụp ảnh tuyệt vời với các tác phẩm mãn nhãn trong phạm vi tình huống chụp đa dạng đến bất ngờ.
Trên hết, Ricoh GR III có thể bỏ gọn trong túi áo, túi quần rất tiện lợi.