Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Những mốc phát triển của trẻ từ 0 – 2 tháng tuổi
Trong những tháng đầu đời, bé không biết làm gì hơn ngoài ăn, ngủ, đi vệ sinh. Tầm nhìn của bé cũng chỉ giới hạn trong 20 – 30 cm. Lúc này, những màu đơn sắc như trắng, đen cũng được bé chú ý nhiều hơn so với các màu khác. Về thính giác, bé đã phát triển khá toàn diện và thường sẽ hướng về các âm thanh quen thuộc của những người thường xuyên bên cạnh bé. Tay bé có xu hướng đưa tay lên gần miệng và mút đầu ngón tay.
Những mốc phát triển của trẻ trong giai đoạn tháng thứ 3
– Lúc này, bé đã biết cười. Bạn sẽ thường xuyên thấy nụ cười trên môi bé. Bé cũng chủ động hơn trong các trò chơi, bắt chước biểu cảm gương mặt của bạn, bắt đầu bập bẹ và bắt chước những âm thanh của bạn.
– Bé cũng đã biết lẫy – ngóc đầu. Khi bế bé bạn đã không cần phải đỡ đầu cho bé. Nếu bé nằm sấp, bé có thể tự nâng phần đầu và ngực của mình lên. Thậm chí, bé còn làm các động tác như chống đẩy để tự lật ngửa mình.
– Nếu 2 tháng đầu tiên bé có thể nhận diện những âm thanh quen thuộc thì đến tháng thứ 3 bé sẽ nhận diện được khuôn mặt.Khả năng phối hợp giữa tay và mắt cũng được cải thiện. Bạn sẽ thấy bé theo dõi các vật thể mà bé thích và đặc biệt chú ý đến các khuôn mặt. Vì vậy đừng cảm thấy ngạc nhiên khi bé có thể nhận ra khuôn mặt của mẹ hay bố dù họ đứng ở xa bé.
– Những kỹ năng đáng yêu khác: Bé có thể nắm tay hoặc xòe các ngón tay, lắc đồ chơi, đập vào vật đu đưa trước mặt, đưa tay lên miệng, đạp chân xuống dưới nếu bạn giữ bé ở tư thế đứng.
Những mốc phát triển quan trọng của bé trong giai đoạn từ 4 – 7 tháng tuổi
– Khi đến tháng thứ 4, có vẻ nhận thức của bé đã gần được hoàn thiện nên bé sẽ tích cực cười và bi bô tập nói.
– Đến khoảng 7 tháng bé đã biết lật và tự trở về tư thế nằm ngửa, ngồi mà không cần bạn giúp, chân đủ mạnh để “nhún nhảy” khi bạn giữ bé. Bé sẽ kéo đồ vật về phía mình, có thể cầm đồ chơi và chuyển đồ vật từ tay này sang tay kia.
– Bé cũng dần biết nhận thức về những gì được và không được. Nếu bạn gọi tên bé, bé sẽ quay lại nhìn bạn. Nếu bạn bảo không được thì bé sẽ dừng lại ngay lập tức.
– Bé thích chơi trò ú òa và thích tìm các vật bị che khuất một phần. Bé nhìn thế giới với tất cả màu sắc vốn có của nó và có thể nhìn xa hơn. Nếu bạn di chuyển một món đồ chơi trước mặt bé, bé sẽ theo dõi nó chăm chú bằng mắt. Tự ngắm mình trong gương cũng khiến bé vui vẻ.
Những mốc phát triển quan trọng của bé trong giai đoạn 8 – 9 tháng tuổi
– Bé bắt đầu tập đi: Ở giai đoạn này, bé yêu của bạn rất bận rộn. Hai bàn tay bé hoạt động liên tục, bé có thể cầm nắm nhiều thứ khá tốt và tiếp tục hoàn thiện kỹ năng sử dụng ngón tay cái và ngón trỏ. Bé đã biết tự ngồi nên có thể vịn tay vào đồ vật để giúp bé đứng dậy.
– Bé bập bẹ tập nói: Từ 8-12 tháng tuổi, bé có thể nhận biết những từ thường nghe, biết nói các từ đơn giản như “baba” hay “mama” và có xu hướng “bắt chước” những hành động, cử chỉ của bạn như dùng lược chải đầu, cầm ly uống nước hay thậm chí là nói chuyện qua điện thoại. Đồng thời, bé sẽ càng cảnh giác với người lạ hơn, bắt đầu xuất hiện nỗi sợ hãi chia ly khi bạn có việc rời xa bé. Vì vậy nhiều bé sẽ khóc toáng lên nên bạn nhờ ai đấy bế bé hộ trong lúc bạn có việc bận.
Những mốc phát triển quan trọng của bé trong giai đoạn 1 – 2 tuổi
– Phát triển thể chất: Ban đầu bé sẽ bắt đầu tập đi và trong năm thứ hai, trẻ sẽ đi mà không cần dắt. Bé cũng có thể leo lên và xuống cầu thang, đứng nhón chân, đá bóng và thậm chí có thể chạy khi 2 tuổi.
– Phát triển ngôn ngữ: Kỹ năng ngôn ngữ của bé trong giai đoạn 1-2 tuổi cũng phát triển. Thậm chí, bé có thể hiểu nhiều hơn so với những gì bé có thể diễn đạt. Đến 18 tháng tuổi, bé có thể nói được nhiều từ đơn và đến 24 tháng tuổi có thể dùng các câu và cụm từ ngắn.
– Phát triển năng khiếu: Bé cũng bắt đầu phân biệt được hình dáng và màu sắc. Bé vẽ nguệch ngoạc bằng bút màu, xây tháp bằng bốn khối đồ chơi trở lên, ném bóng, thích bỏ vật nhỏ vào vật lớn rồi lấy hết vật nhỏ ra khỏi vật lớn. Lúc này, bạn có thể thấy những dấu hiệu đầu tiên cho biết bé thuận tay trái hay tay phải.
– Phát triển tâm lý: Bé muốn tự mình làm tất cả, mặc và cởi quần áo; cầm muỗng, ly để ăn uống; rửa tay… Bé có thể bắt đầu quan tâm học cách dùng nhà vệ sinh. Bé bắt chước bạn nói chuyện qua điện thoại, cho búp bê “ăn”, giả vờ lái xe…
– Phát triển kỹ năng xã hội: Khi được 24 tháng tuổi, bé không còn khó chịu khi đi nhà trẻ. Bé hòa đồng hơn với các bạn và gần gũi cô giữ trẻ hơn. Đồng thời, bé cũng trở nên độc lập và có thể bướng bỉnh hơn.
Những mốc phát triển quan trọng trong giai đoạn 2 – 3 tuổi
– Những phát triển về tâm lý: Ở giai đoạn này, óc sáng tạo và trí tưởng tượng bé yêu ngày càng phong phú hơn. Bé ham thích những trò chơi nhập vai hay giả tưởng. Tuy nhiên, bé cũng sẽ sợ những gì mà bé tưởng tượng ra như các con “quái vật” không có thật, bóng tối, thậm chí cả cái máy hút bụi nhà mình. Ngoài ra, bé vẫn chưa phân biệt được giữa thế giới tưởng tượng và thực tế khác nhau thế nào.
– Kỹ năng ngôn ngữ: Vốn từ của bé trong giai đoạn này sẽ phong phú hơn. Bé hoàn toàn có thể nói chuyện một cách rõ ràng.
– Kỹ năng vận động: Bé đã biết đi lên xuống cầu thang, biết nhảy, đạp xe đạp ba bánh và trở nên khéo léo hơn. Bé học được cách mở cửa, mở hộp cũng như biết di chuyển, sắp xếp qua lại các bộ phận đồ chơi. Đặc biệt, bé có thể vẽ được hình tròn và giải những câu đố đơn giản.
– Kỹ năng xã hội: Khoảng 2-3 tuổi, trẻ bắt đầu biểu hiện tình bạn, sự đồng cảm của mình dành cho bạn cùng chơi hay thậm chí là búp bê và tính san sẻ với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, bé sẽ gặp đôi chút rắc rối vì chưa hiểu rõ cảm xúc của chính mình.
G.H
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam