Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Sữa mẹ khi được bảo quản ở tủ đông, ngăn đá tủ lạnh sẽ được rã đông trước khi cho bé sử dụng. Tuy nhiên rã đông sữa thế nào cho đúng thì không phải bà mẹ nào cũng biết.
Việc rã đông sai cách không những làm sữa mất đi chất dinh dưỡng. Mà nguy hiểm hơn còn khiến bé mắc phải một số bệnh về tiêu hóa, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của bé.
Những sai lầm thường gặp khi rã đông sữa mẹ
Công việc tưởng chừng như đơn giản. Tuy nhiên không ít mẹ gặp phải những sai lầm nghiêm trọng sau đây:
- Bỏ trực tiếp sữa từ ngăn đông vào nước nóng để rã đông cho nhanh. Tuy nhiên việc thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột khiến cho sữa mẹ bị biến đổi chất hoàn toàn.
- Sử dụng nước quá nóng để rã đông. Nhiều mẹ nghĩ rằng nhiệt độ cao của nước không ảnh hưởng gì tới sữa mà còn rút ngắn thời gian. Tuy nhiên điều này lại hoàn toàn sai. Việc làm này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng sữa, mà đôi khi còn khiến bé bị bỏng.
- Sử dụng lò vi sóng để rã đông sữa. Lò vi sóng có thể điều chỉnh được nhiệt độ cho phù hợp, nhưng lại không làm sữa ấm đều dẫn đến chỗ nóng chỗ lạnh sẽ nguy hiểm cho bé khi ăn.
- Rã đông lượng sữa nhiều hơn so với nhu cầu của trẻ, sau đó lại để vào tủ lạnh. Các mẹ nên nhớ rằng, sữa đã rã đông chỉ có thể sử dụng trong 24 giờ. Nếu bé bú không hết, các mẹ nên bỏ chứ không nên cấp đông lại. Việc cấp đông lại sẽ cực kỳ nguy hiểm cho hệ tiêu hóa non nớt của bé.
- Trộn sữa rã đông với sữa mới vắt. Điều này có thể khiến bé bị tiêu chảy, ngoài ra bé cũng không thể hấp thụ được hết các chất dinh dưỡng có trong sữa.
Rã đông sữa mẹ đúng cách
Với sữa bảo quản ở ngăn đá, tủ đông.
Đối với ngăn đá hoặc tủ đông chuyên dụng. Sữa mẹ có thể được bảo quản trong khoảng thời gian từ 3 tới 6 tháng. Chính vì vậy trước khi bỏ sữa vào cấp đông, các mẹ nên ghi chú lại lượng sữa cũng như ngày vắt để thuận tiện khi sử dụng.
Rã đông sữa bảo quản ở ngăn đá
Lưu ý: Các mẹ không nên trữ lượng sữa quá nhiều trong một túi. Lượng sữa chỉ nên đủ cho cữ bú của trẻ mà thôi.
Cách rã đông:
Bước 1: Bỏ bình sữa từ ngăn đông xuống ngăn mát.
Bước 2: Khi sữa đã tan hoàn toàn, các mẹ bỏ túi sữa vào cốc nước ấm hoặc sử dụng máy hâm sữa với mức nhiệt 40oC. Ở nhiệt độ này chất lượng sữa sẽ không bị ảnh hưởng, bé cũng có thể sử dụng trực tiếp luôn.
Chú ý: Không nên lắc mạnh. Sữa đã rã đông không nên cấp đông lại và chỉ sử dụng trong vòng 1 lần duy nhất.
Với sữa bảo quản ở ngăn mát
Bảo quản bằng ngăn mát, sữa có thể sử dụng được trong vòng 48 tiếng. Khi mẹ muốn cho bé sử dụng sữa này, cũng nên lấy lượng vừa đủ, sau đó dùng máy hâm hoặc nước ấm ở mức nhiệt 40oC để làm ấm sữa.
Sử dụng máy hâm sữa ở nhiệt độ 40oC là cách rã đông an toàn và nhanh gọn.
Làm sao khi sữa mẹ có mùi, nổi váng sau khi rã đông
Đây là tình huống mà rất nhiều bà mẹ gặp phải. Một số sữa có mùi tanh, mùi như xà phòng hơi khó ngửi. Một số khác lại nổi váng màu vàng bên trên. Tuy nhiên hiện tượng này hết sức bình thường chứ không phải sữa đã bị hỏng các mẹ nhé.
Đa phần nguyên nhân là do tác động của enzim lipase làm bẻ gãy các chất béo ở sữa mẹ vắt ra trong quá trình để tủ lạnh. Trong trường hợp này, sữa mẹ vẫn an toàn và bé vẫn có thể uống được mà không có vấn đề gì.