Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
1. Thiết kế siêu mỏng và nhẹ của Acer Swift Edge 16 2024
Laptop Acer Swift Edge 16 2024 vẫn giữ nguyên thiết kế mỏng và nhẹ như các phiên bản trước. Chiếc laptop này có độ dày chỉ khoảng 13mm và trọng lượng khoảng 1,23kg, khiến nó trở thành một trong những mẫu laptop 16 inch di động nhất hiện nay.
Tuy nhiên, ngoại hình của máy thiếu đi sự hào nhoáng hay sang trọng của một chiếc laptop cao cấp. Khung máy sử dụng chất liệu hợp kim nhôm-magie, mặc dù cho độ bền cao gấp đôi nhôm nhưng nó không có độ cứng của nhôm dẫn đến mặt lưng có hiện tượng flex khá lớn và cảm giác sờ giống nhựa.
Bên cạnh đó, lớp phủ bề mặt màu đen mờ được gọi là ‘Olivine Black’ cũng quá mức đơn giản, không có họa tiết trang trí thêm nào để thể hiện tính cao cấp của sản phẩm nên nếu chỉ xét từ bề ngoài, ít ai sẽ nghĩ đây là một chiếc laptop cao cấp.
Ở mặt C, ta có thêm sự bổ sung hàng phím số. Các phím số này có kích thước nhỏ hơn hàng phím Alpha nhưng chúng vẫn hữu dụng khi cần. Ngoài ra, bàn phím cũng có đèn nền cực sáng ở mức cài đặt tối đa, do đó khả năng hiển thị trong bóng tối không là vấn đề. Acer cũng tích hợp một loạt chức năng phổ biến để ta thao tác nhanh, trong đó có nút Copilot mới để gọi nhanh trợ lý ảo, và một phím tắt để mở phần mềm quản lý.
Song, touchpad thì lại hơi tệ. Acer đã sử dụng vật liệu OceanGlass tái chế rất mịn và khả năng điều hướng chính xác, nhưng tiếng click vật lý thì lại cho cảm giác khá lỏng lẻo và tiếng kêu lạch cạch hoàn toàn không tương xứng với giá tiền của laptop Acer Swift Edge 16 2024.
Bù lại, lựa chọn cổng rất phong phú. Ở cạnh trái ta có hai cổng USB 4 (hỗ trợ DisplayPort, Power Delivery 65W), cổng HDMI 2.1 và một cổng USB-A 3.2 Gen 2 (có khả năng sạc ngược ra bên ngoài ngay cả khi tắt máy). Phía bên phải có một cổng USB-A 3.2 Gen 1 (không hỗ trợ sạc ngược), đầu đọc thẻ microSD, giắc tai nghe 3.5mm và khe khóa Noble.
2. Màn hình OLED tuyệt vời, nhưng hơi bóng
Trên phiên bản này, Acer đã trang bị cho Swift Edge 16 2024 màn hình OLED có độ phân giải 3200 x 2000 pixel thay vì 4K như trên phiên bản 2022. Tuy nhiên, tần số quét của màn hình đã được nâng lên 120Hz, giúp mang lại trải nghiệm hiển thị mượt mà hơn.
Về khả năng hiển thị, màn hình OLED này có độ sáng ấn tượng với chứng nhận VESA DisplayHDR True Black 500 khi hiển thị nội dung HDR cùng độ sáng đỉnh 407 nits với nội dung SDR. Gam màu cũng rất rộng với 100% sRGB, 97% AdobeRGB và 99% DCI-P3. Tóm lại, màu sắc và khả năng hiển thị của màn hình này là không có chỗ chê, nó đủ khả năng để thực hiện các công việc chuyên nghiệp liên quan tới độ chính xác màu.
Song, màn hình này cũng có điểm trừ là nó sử dụng lớp hoàn thiện bóng chứ không phải mờ. Mặc dù lớp hoàn thiện này giúp màu sắc thêm nổi bật và sống động nhưng tính phản chiếu khá cao, có thể gây phiền toái khi ta sử dụng ở môi trường có nhiều ánh sáng xung quanh.
3. Camera – Mic – Loa
Trong bộ ba camera, mic và loa, thì camera là tính năng tốt nhất. Nó có độ phân giải 1440 (khoảng 4MP), xử lý phơi sáng tốt và ở môi trường thiếu sáng cũng không bị nhiễu hạt quá nhiều. Quan trọng hơn, tính năng Windows Studio Effects sẽ hoạt động khá tốt với sự hỗ trợ của Ryzen NPU. Nó cung cấp 6 hiệu ứng như tự động đóng khung, giao tiếp bằng mắt, bộ lọc sáng tạo, tập trung giọng nói, ánh sáng chân dung và làm mờ hậu cảnh. Các hiệu ứng này đều rất hữu dụng và có tính thực tiễn cao. Tuy nhiên, nhược điểm của camera là không có màn trập vật lý, đây là thiếu sót khá khó hiểu của Acer vì hầu hết laptop trong năm 2024 đều có tính năng bảo mật này.
Hai micro ở cạnh camera thực hiện khá tốt nhiệm vụ thu giọng khi video call hoặc ghi âm. Ta có thể điều chỉnh hiệu suất của micro thông qua ứng dụng Acer Purified Voice Console với hai profile có sẵn là Personal Call (cá nhân) hoặc Conference (hội nghị). Ngoài ra, nó cũng có chức năng giảm ồn AI khá hữu dụng khi ta sử dụng ở nơi đông người, nhiều tiếng ồn như quán cafe.
Loa được thiết kế nằm ở đáy máy, âm thanh phát ra khá mỏng vì nó chịu ảnh hưởng nhiều từ thiết kế. Nhìn chung, khía cạnh âm thanh của chiếc laptop 16 inch này không có gì mới mẻ, nó đủ dùng để nghe nhạc giải trí hay gọi video call, chỉ có điều âm thanh không quá hay mà thôi.
4. Hiệu năng của Acer Swift Edge 16 2024 tốt, nhưng không phải là dành cho game
Model laptop Acer Swift Edge 16 (2024) dùng để đánh giá trong bài viết này sử dụng con chip AMD Ryzen 7 8840U mới nhất với 8 lõi, 16 luồng, xung nhịp turbo 5.1 GHz, TDP mặc định 28W và có Ryzen AI NPU 16 TOPS. Đi cùng với đó là 16GB RAM LPDDR5 và ổ SSD M.2 PCIe 4.0 NVMe 1TB.
Nhìn chung, con chip Ryzen 7 U-Series này thực hiện công việc xử lý một cách xuất sắc, bao gồm vô số tab trình duyệt, Slack, Spotify, phát video trực tuyến và chỉnh sửa ảnh cơ bản. Tuy nhiên, hiệu suất sẽ giảm đáng kể do pin. Ta có thể mất khoảng 25% công suất xử lý trong một số ứng dụng khi rút nguồn điện và thậm chí tốc độ đọc của SSD cũng sẽ giảm hơn một nửa. Đây là một vấn đề thường gặp ở các chip AMD, ít gặp hơn ở Intel. Nếu muốn có hiệu suất không đổi ở hai trạng thái AC và DC thì hiện tại chỉ có laptop sử dụng Snapdragon X là làm được.
Kết quả benchmark PCMark 10 cho thấy hiệu năng của chiếc laptop Acer 16 inch này đã được cải thiện đáng kể so với phiên bản 2022, với điểm số 6.872 so với 6.157. Tuy nhiên, khi so sánh với người anh em Acer Swift Go 14 (2024) sử dụng chip Intel mới, thì Acer Swift Edge 16 (2024) vẫn hơi thua kém một chút, model laptop 14 inch đạt số điểm 7.050 trên PCMark 10.
Mặc dù laptop Acer Swift Edge 16 2024 không được thiết kế để chơi game, nhưng ta vẫn có thể chơi một số tựa game nhẹ nhàng, không quá đòi hỏi về đồ họa. Tuy nhiên, khi chạy benchmark 3DMark Time Spy Extreme, card đồ họa tích hợp AMD Radeon trên chiếc laptop này tỏ ra thua kém so với card Intel Arc trên Acer Swift Go 14 2024, với điểm số là 812 so với 1.634.
Về hiệu suất nhiệt, mặc dù Acer lựa chọn con chip Ryzen 7 dòng U để hạn chế khả năng tỏa nhiệt song Swift Edge 16 2024 thực tế vẫn gặp khó khăn trong việc làm mát. Khi chạy 3DMark Time Spy, mặt đáy laptop nóng lên ở khoảng 65 độ C, trong khi khu vực bàn phím đạt đỉnh 54 độ C. Đây là mức nhiệt khá cao đối với một con chip thiên về tiết kiệm điện như Ryzen 7 8840U, và chắc chắn nó không phải lựa chọn quá lý tưởng cho những người muốn sử dụng máy để chạy các tác vụ nặng trong thời gian dài. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng để làm việc văn phòng với lượng công việc vừa phải độ ồn của nó lại rất lý tưởng, chỉ 48 dB khi chạy full-load.
5. Thời lượng pin chỉ khoảng 5 giờ
Một trong những điểm yếu của laptop Acer Swift Edge 16 2024 là thời lượng pin. Mặc dù đã giảm độ phân giải xuống 3,2K với mục đích kéo dài thời lượng pin. Tuy nhiên, sau khi test thì chiếc laptop 16 inch này chỉ kéo dài được khoảng 5 giờ sử dụng, ngắn hơn khoảng 2 giờ so với phiên bản 2022.
Thời lượng pin trung bình như vậy có thể ảnh hưởng đến tính di động tổng thể của chiếc laptop Acer Swift này, và nếu sử dụng để làm việc văn phòng thì chắc chắn ta sẽ cần sạc nó ít nhất một lần thì mới có thể hoàn thành trọn vẹn một ngày làm việc.
6. Tạm kết
Tổng thể, laptop Acer Swift Edge 16 (2024) là một chiếc laptop 16 inch đáng chú ý nhờ thiết kế siêu di động, màn hình OLED chất lượng và hiệu năng ổn định. Tuy nhiên, thời lượng pin trung bình và một số hạn chế nhỏ như bàn phím hơi nông và webcam không có nắp che vật lý cũng là những điểm cần cân nhắc.
Với giá bán khởi điểm từ 1.299 USD (khoảng 29,9 triệu đồng), laptop Acer Swift Edge 16 2024 là một lựa chọn đáng xem xét nếu bạn cần một chiếc laptop 16 inch di động và có nhu cầu hiệu năng ở mức trung bình. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng nhu cầu và ngân sách của mình trước khi đưa ra quyết định nhé.