Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Bé vừa trở về nhà cùng với mẹ sau khi ở bệnh viện về. Bạn không biết cách làm thế nào để cho bé ngủ? Bé tỉnh dậy vào lúc nửa đêm …2:00 … 4:00 … 6:30 … có thể nhiều lần hơn nữa… và thế là cả gia đình bạn trong tình trạng bị thiếu ngủ. Khi giấc ngủ của bé bị gián đoạn vào ban đêm, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay tới một việc làm khôn ngoan là cho bé bú đêm. Thực tế thì việc cho bé bú đêm lại rất quan trọng đối với cả bé lẫn nguồn sữa của bạn.
Bé bú đêm quan trong với cả bé lẫn nguồn sữa của mẹ
Dưới đây là các lý do chứng minh rằng cho trẻ bú đêm rất quan trọng:
Dạ dày của trẻ rất nhỏ
Bạn có biết rằng dạ dày của trẻ sơ sinh chỉ có thể giữ khoảng 20ml chất lỏng? Nếu chất lỏng là sữa mẹ thì sẽ được tiêu hoá hết trong khoảng một giờ.
Cho đến khoảng ngày thứ 10 thì dạ dày của bé mới chỉ có kích thước bằng một quả bóng golf và có thể trữ được khoảng 60ml. Vì vậy, việc cho bé bú 1-2 giờ một lần là cần thiết giống như đã được lập trình trước. Điều này cũng có nghĩa là bé cần ăn thường xuyên hơn vào ban đêm. Lợi ích ở đây là gì? Cho bé bú nhiều hơn, bé sẽ hấp thu nhiều dinh dưỡng từ sữa mẹ hơn.
Trẻ tiêu thụ nhiều sữa hơn vào buổi đêm
Một nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ cần nhiều sữa hơn trong suốt quá trình bú đêm hơn là bất kỳ thời điểm nào khác trong ngày, với khoảng 20% lượng sữa hàng ngày là được sử dụng vào ban đêm. Đa số trẻ trong nghiên cứu này được bú đêm (chiếm 64%) và thường bú từ một đến ba lần trong đêm. Đối với trẻ sơ sinh mà chỉ số cân nặng thấp, thì việc ăn đêm sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn vì khi trẻ ăn càng nhiều tương đương với lượng calo cung cấp càng nhiều, cũng tương đương với việc trẻ tăng trưởng tốt hơn.
Cho con bú đêm giúp trẻ dễ ngủ
Sữa mẹ có chứa tryptophan, một axit amin giúp bẻ ngủ vào buổi tối tốt hơn so với những thời điểm khác. Tryptophan là tiền thân của serotonin, là hoocmon giúp điều chỉnh tâm trạng cũng như chu kỳ giấc ngủ. Không chỉ vậy, nó còn giúp tăng cường phát triển não và hoàn thiện chức năng. Bằng việc cho bé bú là bạn đang phát triển não trẻ và giúp trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Bú đêm giúp trẻ dễ ngủ hơn
Lượng Prolactin cao hơn vào ban đêm
Prolactin là một hoocmon tạo sữa, với cơ chế tạo sữa ban đêm nhiều hơn ban ngày. Vì vậy, việc cho bé bú đêm là tuân theo lợi thế của trao đổi tự nhiên này, giúp giữ cho nguồn sữa được ổn định, thậm chí có thể cải thiện lại nguồn sữa nếu lượng sữa của bạn có vẻ bị giảm sút.
Cho trẻ bú đêm là cần thiết cho những ai muốn tránh thai
LAM (Lactational Amenorrhea Method – Phương pháp ngăn rụng trứng/không có kinh nguyệt trong thời gian cho con bú), là một hình thức kiểm soát sinh đẻ đạt hiệu quả lên tới 98% nếu như bạn áp dụng một cách chính xác. Nếu trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi, chu kỳ kinh nguyệt của mẹ chưa quay trở lại, trẻ được bú mẹ cả ngày lẫn đêm thì có nghĩa là người mẹ đó đã sử dụng phương pháp LAM để tránh thai. Các nhà nghiên cứu cho rằng hoocmon prolactin và yếu tố cho con bú vào ban đêm có thể là hai yếu tố giúp ngăn kinh nguyệt quay trở lại với những bà mẹ cho con bú.
Một số bà mẹ nhận thấy rằng chu kỳ kinh nguyệt của họ quay trở lại mỗi khi họ ngừng (hoặc giảm) cho con bú đêm. Tuy nhiên, giống như hầu hết các phương pháp, nó không hoàn toàn được đảm bảo. Vì vậy, nếu bạn đang cố gắng để tránh thai hoàn toàn, thì hãy sử dụng biện pháp đặt vòng hoặc sử dụng bao cao su.
Nhịp điệu sinh học của trẻ vẫn đang thay đổi
Dù bạn có cho con bú đêm hay không thì bé của bạn cũng không thể ngủ thẳng giấc vào đêm cho đến khi bé được 3 – 4 tháng tuổi. Việc giấc ngủ của trẻ bị gián đoạn không phải nguyên nhân ở việc bạn cho con bú hay sử dụng sữa công thức mà là tại mỗi cột mốc phát triển thì các bé lại có các thay đổi khác nhau.
Cho trẻ bú mẹ là bảo vệ trẻ khỏi chứng đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS)
Có lẽ một trong những lý do quan trọng nhất của việc cho trẻ bú vào ban đêm là việc giảm nguy cơ đột tử ở trẻ nhỏ (trẻ sơ sinh tử vong bất ngờ, đột ngột không rõ lý do). Có vẻ là một điều khó hiểu nhưng bạn cần phải biết.
Một phân tích từ kết quả của mười tám nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh được giảm đáng kể – khoảng 50% – với những đứa trẻ mà được các bà mẹ cho bú và bú trong một thời gian dài. Những kết quả được tìm thấy từ “SIDS and Kids” đã thêm nguyên tắc bảo vệ trẻ khỏi chứng đột tử ở trẻ nhỏ là: “Hãy cho con bú nếu bạn có thể”. Theo thông tin trên trang web của họ thì: “Dựa vào các nghiên cứu, cho thấy trẻ bú mẹ có nhiều hơn phân nửa cơ hội thoát khỏi chứng đột tử”
Các nhà nghiên cứu tin rằng giấc ngủ suốt ngày đêm ở trẻ sơ sinh có một cơ chế quan trọng cho sự sống còn, và những giấc ngủ như vậy có tần suất nhiều hơn với những trẻ được bú mẹ.
Những bà mẹ cho con bú thực chất là được ngủ nhiều hơn
Việc cho trẻ bú trực tiếp vào ban đêm cũng giúp bà mẹ được ngủ nhiều hơn
Trong nghiên cứu về tâm trạng của bà mẹ và chứng trầm cảm sau sinh, Kendall-Tackett và cộng sự đã cho thấy rằng: Các bà mẹ cho con bú thì ngủ nhiều hơn các bà mẹ cho con uống sữa công thức hoặc ăn thức ăn khác. Ngay cả việc thức dậy vào ban đêm, các bà mẹ cho con bú cũng có nhiều năng lượng để chăm sóc trẻ sơ sinh vào ban ngày hơn. Các nghiên cứu khác cho thấy, trung bình các bà mẹ cho con bú ngủ nhiều hơn khoảng 40-45 phút giấc ngủ ban đêm, mặc dù giấc ngủ của họ vẫn bị gián đoạn. Có vẻ như con số không lớn nhưng nó lại tạo một sự khác biệt lớn trong việc đối phó với chứng thiếu ngủ.
Bé cần ăn vào ban đêm và giấc ngủ của bạn đương nhiên sẽ bị gián đoạn đáng kể. Nếu bạn cho bé ăn sữa công thức, bạn sẽ phải mất thời gian vệ sinh dụng cụ, chai lọ. Nếu bạn cho con bú mẹ trực tiếp, bạn có thể chỉ cần bế bé vào giường và dễ dàng ngủ trở lại trong khi cho con bú. (Tuy nhiên bạn cần đảm bảo an toàn khi cho bé bú cùng giường).
Việc trẻ ngủ liền mạch suốt đêm là một cột mốc phát triển không liên quan tới việc bạn cho bé bú. Vì vậy, bạn có thể tỉnh dậy vào giữa đêm, ngắm khoảnh khắc bé ngủ trong khi bé đang bú, mơ màng trở lại giấc ngủ của bạn và biết rằng bạn là một trong vô số các phụ nữ trên khắp thế giới thức dậy vào ban đêm để chăm sóc các bé cưng.
Minh Hường
(Theo bellybelly)
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam