Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Máy ảnh cũ, nên mua hay không?
Câu trả lời ngắn gọn là có. Để có câu trả lời đầy đủ hơn, chúng ta phải xem kỹ hơn bạn đang tìm mua cái gì.
Đối với các thiết bị phụ kiện máy ảnh như tripod, đèn flash, grib… thì việc tìm nơi bán online trong nhiều ngày, hoặc nhiều tuần có thể không đáng để tiết kiệm khi mà có thể mua cái mới với giá chênh lệch không nhiều. Tuy nhiên, giả sử bạn đang tìm kiếm các yếu tố cốt lõi như máy ảnh DSLR, máy ảnh mirrorless hoặc ống kính, nói chung là các thiết bị có giá trị cao thì việc mua cũ là điều nên làm.
Bạn có thể nghĩ rằng máy ảnh cũ chắc phải hỏng hóc gì đó người ta mới bán nhưng thực ra có rất nhiều lý do để một người bán chiếc máy ảnh mà mình đã từng sử dụng. Có thể là họ muốn nâng lên đời mới, có thể họ dùng máy mới rất hợp và muốn bán chiếc cũ đi, hoặc có thể là chuyển từ DSLR sang mirrorless và ngược lại. Tóm lại, có rất nhiều lý do để máy ảnh cũ có mặt trên thị trường.
Nếu kiên nhẫn và biết mình cần tìm kiếm gì, bạn có thể dễ dàng tìm thấy chiếc máy ảnh mình ưng ý với mức giá không tưởng.
Những điều cần lưu ý khi mua máy ảnh cũ online
Khi mua đồ cũ, luôn có rủi ro người bán sẽ lừa bạn và bạn sẽ tốn nhiều tiền cho một thiết bị không xứng đáng giá trị bỏ ra. Điều này rất thường thấy khi mua xe cũ, máy tính, và cả máy ảnh. Tuy nhiên, giống như khi bạn mua một chiếc xe đã qua sử dụng, bạn cần phải nghiên cứu về chiếc xe đó trước để xem liệu nó có đáng với giá trị mà người bán rao hay không. Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý khi mua máy ảnh cũ trên các gian hàng online.
1. Kiểm tra số lượng màn trập của máy
Khi mua máy ảnh cũ, việc hỏi về số lượng màn trập tương tự như bạn hỏi chiếc xe này đã chạy được bao nhiêu km vậy. Thế nhưng, việc biết rõ số km của một chiếc ô tô cũ cũng không hoàn toàn nói lên điều gì, vì đi trên đường cao tốc và đi trong thành phố là 2 câu chuyện khác biệt. Biết số lượng màn trập của máy cũng vậy, nó không nói rõ chiếc máy ảnh đó còn tốt hay gì, nhưng nó là một sự khởi đầu.
Hãy tìm hiểu xem người bán đã sử dụng chiếc máy ảnh đó trong bao lâu, và cách họ chụp như thế nào. Một chiếc máy ảnh có 1000 bức được chụp cách đây 10 năm nhưng bị bỏ xó đến hiện tại chắc chắn sẽ không thể nào tốt như một chiếc chụp tới 10.000 ảnh nhưng được chăm sóc, vệ sinh cẩn thận.
2. Cảm biến của máy ảnh có bị hỏng không?
Đây là câu hỏi quan trọng nhất mà bạn cần phải biết đáp áp khi mua máy ảnh cũ. Trở lại với ví dụ mua xe, nó tương đương như động cơ. Không quan trọng là nội thất, phụ kiện bên trong của nó tốt đến đâu nhưng động cơ hỏng thì xe sẽ không khởi động được. Máy ảnh cũng thế, cảm biến mà hỏng thì dù các chi tiết khác vẫn còn tốt bạn cũng sẽ không thể chụp ảnh được, biến số tiền bạn bỏ ra thành vô giá trị.
Nếu nghi ngờ về cảm biến của máy, bạn hãy hỏi người bán xem họ có thể gửi hình ảnh kiểm tra để bạn xem xét hay không. Đảm bảo yêu cầu một bức ảnh về thứ gì đó đơn giản mà họ có trong nhà hoặc cửa hàng, nhưng cũng phải đủ tinh ý để phân biệt đó là ảnh vừa chụp hay ảnh chụp sẵn.
3. Máy ảnh có bị trầy xước, bụi hoặc mốc trong thấu kính không?
Thực tế khi mua máy ảnh cũ thì việc thấu kính, bụi hoặc mốc là điều không thể tránh khỏi. Không phải ai cũng có thể giữ gìn chiếc máy một cách cẩn thận không chút vết tích hao mòn nào.
Trầy xước phổ biến nhất ở mặt ống kính phía trước và ống kính ở mặt sau được lắp vào máy ảnh. Nếu chỉ ở hai vị trí này thì ta vẫn chấp nhận được nhưng nếu nhiều hơn thì bạn cần cân nhắc thật kỹ vì có thể chủ nhân cũ của nó không biết bảo quản máy đúng cách.
Bụi và nấm mốc cũng thường xuất hiện trong máy ảnh cũ, nhất là máy ảnh không sử dụng trong thời gian dài. Bình thường sẽ rất khó phát hiện nấm mốc khi chỉ nhìn vào ảnh chụp được người bán đăng lên, nhưng bạn có thể yêu cầu chụp nhiều hơn các chi tiết ống kính, cảm biến… để xem xem liệu có hiện tượng đó hay không.
4. Kiểm tra tự động lấy nét, chống rung và thu phóng còn hoạt động không
Đây là thắc mắc đối với ống kính máy ảnh. Trước khi mua máy ảnh cũ, bạn hãy hỏi xem liệu các yếu tố cơ học của ống kính còn hoạt động không vì khó mà biết được nó bị gì khi không biểu hiện trên hình ảnh xuất ra. Có nhiều ống kính cũ thậm chí còn không gắn chặt được với máy ảnh và đã hỏng động cơ lấy nét tự động nhưng vẫn có thể sử dụng bình thường với lấy nét thủ công. Nếu mua máy ảnh cũ bị vấn đề này, thường bạn sẽ có thể mua được với giá hời nhưng bắt buộc cần phải mua ống kính mới để có trải nghiệm tốt hơn. Nhưng nếu bạn cảm thấy không có vấn đề gì với nó, không sao cả.
5. Chính sách bảo hành và đổi trả
Nếu chiếc máy ảnh mà bạn nhắm mua là model cách đây khoảng 1 – 2 năm thì có thể nó vẫn còn được bảo hành bởi nhà sản xuất, nên mua chiếc đó. Nếu không còn bảo hành, thì hãy hỏi xem người bán, hoặc cửa hàng bạn mua có chính sách đổi trả hay không. Việc biết được thông tin này tương đối quan trọng vì sẽ bảo vệ bạn khỏi những chiêu trò gian lận và tránh được các thiết bị chất lượng thấp.
6. Phản hồi và đánh giá của người dùng
Khi mua hàng trên mạng, đồng nghĩa với việc chúng ta đang chấp nhận rủi ro vì bạn không thể kiểm tra thiết bị trước khi mua. Tuy nhiên, hãy tìm người bán được vote cao và nhiều đánh giá của người dùng. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy họ là người bán hàng đáng tin cậy, người sẽ không mạo hiểm hủy hoại danh tiếng khi bán hàng chất lượng kém.
Mặt khác, hãy tinh ý hơn trong việc tham khảo các đánh giá trên các chợ đồ cũ. Xếp hạng 5 sao từ 2 người không hề giống xếp hạng 4.5 sao nhưng có tới 5000 người bình chọn.
7. Tỉnh táo trước những lời quảng cáo hấp dẫn
Cuối cùng, sau khi đã tham khảo và kiểm tra mọi khía cạnh thì vẫn cần bạn dùng đến lý trí của mình để quyết định có nên mua máy ảnh cũ hay không. Có một thực tế hiện nay là nhiều người bán thường hay nói quá lên về sản phẩm để bẫy người mua, bạn cần hết sức tỉnh táo trước những lời mời chào hấp dẫn như vậy. Và, nếu thấy giá của sản phẩm thấp hơn mặt bằng chung, hoặc quá khó tin để thành sự thật thì bạn nên tìm kiếm nơi bán khác có độ uy tín cao hơn.
Trên đây là 7 mẹo mua máy ảnh cũ online mà bất kỳ người dùng nào đang có dự định sắm cho mình một chiếc cũng nên nắm giữ. Hy vọng với chia sẻ này bạn có thể mua được chiếc máy ảnh cũ như ý muốn mà không tốn thêm quá nhiều cho việc thay thế, sửa chữa. Chúc các bạn thành công!