Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Đúng như người ta vẫn thường nói: Ảnh chụp đẹp hay xấu không chỉ được quyết định bằng ống kính, mà còn bởi nhiếp ảnh gia. Do đó, bất kể là khi bạn chụp ảnh trên smartphone cũ kỹ hay một chiếc máy ảnh DSLR đời mới, chúng ta đều có thể tạo ra những bức ảnh đẹp và ấn tượng.
Trên thực tế, sự khác biệt giữa một bức ảnh xấu và một bức ảnh đẹp đôi khi là rất nhỏ. Chỉ một vài sự thay đổi về góc nhìn, về chiều rộng của bức ảnh, về độ tương phản,.. cũng giúp bạn xóa bỏ đi ranh giới này. Dưới đây là những thủ thuật đơn giản sẽ giúp bạn nâng cao đáng kể cho chất lượng ảnh chụp.
Xử lý ảnh chụp trước khi đăng
Điều quan trọng nhất để có được một tấm ảnh chụp đẹp như ý, đó là chỉnh sửa chúng trước khi bạn đăng tải lên các trang mạng xã hội, hoặc chia sẻ với bạn bè. Để chỉnh sửa ảnh, người dùng có thể tham khảo Photoshop, Lightroom,.. hay các phần mềm chuyên dụng tương tự.
Những tùy chỉnh “đơn giản mà hiệu quả” thường được sử dụng có thể kể đến như độ phơi sáng, tương phản, hay tone màu cơ bản là đủ để bạn khiến bức ảnh của mình trở nên độc đáo và ấn tượng hơn.
Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chỉnh sửa ảnh, người dùng có thể tham khảo nhiều ảnh chụp của bạn bè trên Facebook, Instagram, Pinterest,.. và từ đây cải thiện “con mắt nghệ thuật” của bản thân.
…Tuy nhiên, không nên chỉnh sửa quá nhiều
Nhiều bức ảnh đẹp hoàn toàn có thể bị phá hủy chỉ bởi chúng ta chỉnh sửa quá nhiều – khiến chúng mất đi độ thực tế, mà thay vào đó là những tone màu rất “ảo”, phi thực tế. Do đó, trừ khi với một mục đích nào khác, bạn không nên chỉnh sửa quá nhiều nhằm giữ được nét đẹp thuần túy của ảnh.
Chụp ảnh RAW trên máy ảnh
Các chuyên gia về nhiếp ảnh khuyên rằng người dùng nên tận dụng khả năng chụp ảnh RAW của máy ảnh, hay smartphone nếu chúng hỗ trợ. Đơn giản là vì ảnh RAW tuy có dung lượng lớn hơn nhiều so với ảnh JPG truyền thống, nhưng lại linh hoạt, và cho phép bạn chỉnh sửa nhiều hơn sau khi chụp.
Sử dụng quy tắc một phần ba (1/3)
Có nhiều “quy tắc vàng” trong nhiếp ảnh, nhưng quy tắc một phần ba (1/3) được nhắc tới nhiều nhất, và cũng đem lại hiệu quả rõ rệt trong hầu hết hình ảnh chụp. Quy tắc một phần ba rất đơn giản: Chia khung ảnh chụp ra làm 3 phần về chiều dọc và chiều ngang, và giao điểm của những đường thẳng này sẽ là vị trí lý tưởng để chúng ta sắp đặt các vật thể, hình ảnh nổi bật trong khung ảnh.
Chú ý tới viền của bức ảnh
Một chi tiết mà có thể bạn ít chú ý tới, đó là đường viền trên mỗi bức ảnh – trên thực tế lại là một yếu tố vô cùng quan trọng trong nhiếp ảnh. Trên thực tế sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta coi đường viền khung ảnh như một phần của hình ảnh.
Đường viền nếu không được xử lý một cách tinh tế, có thể khiến bức ảnh của bạn mất đi sự đối xứng, sự logic, hoặc đơn giản là khiến nó trông “kỳ lạ”. Thí dụ như nếu chụp ai đó đang di chuyển, hoặc nhìn về một hướng, chúng ta nên có toàn bộ khung cảnh phía trước của người ấy, giúp tạo thêm “chiều sâu” cho bức ảnh.
Bên cạnh đó, nếu bạn có ý định chụp chân dung người, chúng ta nên chọn vị trí cắt khung viền hợp lý như phần cổ, phần ngang ngực, hông, hoặc ngay trên đầu gối.
Hướng và cường độ ánh sáng
Ánh sáng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp bạn có được một tấm ảnh chụp đẹp. Trong mọi điều kiện, hãy cố gắng lựa chọn vị trí, hay thời điểm có nhiều ánh sáng để đạt được chất lượng cao nhất. Thông thường, ánh sáng tự nhiên vào giữa buổi sáng và chiều sẽ đạt điều kiện lý tưởng để bạn “tác nghiệp”.
Khi chụp ảnh, đặc biệt là chụp chân dung, hãy chụp tại vị trí ngang với luồng ánh sáng, thay vì ngược sáng hoặc xuôi chiều ánh sáng, để tạo mức độ tương phản hợp lý, sinh động nhất. Thêm vào đó, tránh sử dụng đèn Flash LED trừ khi bạn đang trong điều kiện thiếu sáng.
Nguyễn Nguyễn
Theo MakeUseOf
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam
Tìm kiếm sản phẩm giá rẻ nhất Việt Nam