Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Websosanh – Theo các chuyên gia, chất độc trong đồ điện tử như điện thoại, máy tính, đèn điện, tivi.. không ảnh hưởng trực tiếp nhưng sẽ phát tán ra môi trường ảnh hưởng lâu dài đến con người.
6 loại chất độc hại có trong đồ điện tử
Bộ Công Thương Việt Nam vừa hoàn tất dự thảo thông tư quy định về hàm lượng tối đa 6 chất độc hại có trong đồ điện tử. Theo nguồn này, cụ thể 6 loại chất độc và ngưỡng cho phép là chì (0,1%), thủy ngân (0,1%), cadmi (0,01%), crôm (0,1%), polybrominated biphenyl (0,1%) và polybrominated diphenyl ete (0,1%). Tiêu chuẩn này sẽ được áp dụng hầu hết cho các loại sản phẩm điện, điện tử thông dụng, dễ tiếp xúc với người như điện thoại di động, máy tính…
Các thiết bị điện tử thường là những tổ hợp linh kiện phức tạp với hàng trăm vật liệu khác nhau. Trong đó không ít thành phần được xem là nguy hiểm, chẳng hạn như chì, thủy ngân, cadmi và berili, và các hóa chất nguy hiểm khác như các chất chống cháy có gốc brôm. Nhựa PVC độc hại cũng là một thành phần được sử dụng rất nhiều.
Các chất độc hại này mặc dù khi sử dụng có sự xâm nhập tới môi trường xung quanh ở mức không cao, tuy nhiên hoàn toàn có khả năng ảnh hưởng đến các đối tượng nhạy cảm như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người bệnh… “Các chất này phân tán trong không gian và ảnh hưởng lâu dài đến cơ thể người”, PGS Doanh cho hay. Đặc biệt, những đồ điện tử cũ hỏng, sửa chữa để sử dụng lại rất có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát tán chất độc hại từ linh kiện đã cũ hỏng.
Đồ điện tử cũ qua sửa chữa cần thận trọng trước khi đến tay người sử dụng (ảnh internet)
Các chất độc có tác động đến sức khỏe như thế nào?
Trong quá trình sản xuất đồ điện tử hiện nay, sự phát triển của khoa học khiến nhu cầu sử dụng các chất kim loại quý hiếm nhưng lại chứa các hóa chất độc hại càng cao hơn. Ví dụ, chì có trong các mối hàn của đồ điện tử. Thủy ngân có trong pin, bóng điện hay màn hình ti vi. Cadmi có trong đèn led, pin điện thoại di động… Hiện chủ yếu, các chất này đã có các lớp bảo vệ bọc lót nên nguy cơ ít hơn. Tuy nhiên không vì thế mà kém phần độc hại.
Chì
Cũng theo nghiên cứu của các chuyên gia Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), cực ca-tốt (CRT) trong các monitor đời cũ có chứa xấp xỉ 10.000 tấn chì. Phơi nhiễm chì có thể dẫn đến các rối loạn nhận thức ở trẻ em, làm hủy hoại hệ thần kinh, tuần hoàn và hệ sinh sản ở người lớn.
Cadmi
Cadmi, sử dụng trong pin sạc máy tính, các công tắc, các CRT đời cũ, có thể tích tụ trong môi trường, với hàm lượng độc tính cao sẽ gây ảnh hưởng đến thận và hệ xương.
Thủy ngân
Thủy ngân, dùng trong các thiết bị chiếu sáng và màn hình phẳng có nguy cơ hủy hoại não bộ và hệ thần kinh trung ương, đặc biệt trong giai đoạn phát triển sớm ở trẻ. Màn hình LCD của bạn sử dụng thủy ngân để tạo ra ánh sáng cho mắt xem tivi. Do đó, khi màn hình bị nứt hơi thủy ngân có thể thoát ra ngoài. Dù mức thủy ngân nói chung là thấp, xong vẫn có nguy cơ gây tác dụng phụ như dị ứng, phát ban da nếu tiếp xúc thường xuyên.
PVC
Hay PVC – một dạng nhựa khử clo, được sử dụng trong nhiều sản phẩm điện tử, đặc biệt là dây, cáp. Dioxin và furan được giải phóng trong quá trình sản xuất và đốt hủy PVC. Những hóa chất này cực bền trong môi trường và rất độc dù với lượng tập trung thấp.
Crôm
Hợp chất crôm hóa trị sáu, sử dụng trong các sản phẩm đồ gia dụng bằng kim loại, là những chất sinh ung thư, cực kỳ độc hại với con người. Khi những sản phẩm này được bảo quản không đúng cách như gặp nhiệt cao hoặc lưu trữ với số lượng quá nhiều (nhà kho, cửa hàng sửa chữa ti vi), tại những nơi ẩm ướt cũng tạo điều kiện cho các chất độc hại có cơ hội phát tán trong không khí.
Brôm
Một số chất chống cháy có gốc brôm được sử dụng trong các bảng mạch và các vỏ nhựa của đồ điện – điện tử, có kết cấu bền, rất khó phá vỡ, sẽ tích tụ lại trong môi trường. Phơi nhiễm lâu dài với độc chất này có thể dẫn đến chức năng học hỏi, nhận thức và ghi nhớ kém…
Hồng Hạnh
Tổng hợp
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam