Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Đã là người dùng máy tính, hay các thiết bị công nghệ, chúng ta ắt hẳn sẽ có một số lượng lớn các tệp tin cần lưu trữ sau quá trình sử dụng. Nếu không có biện pháp phòng tránh, dữ liệu trên máy tính của bạn luôn có thể đối mặt với nguy cơ bị mất hoặc bị đánh cắp dựa trên nhiều cách thức khác nhau.
Cũng vì lý do này mà sao lưu dữ liệu (hay còn gọi là Backup) là thao tác mà mọi người dùng máy tính, laptop đều nên biết để tránh bị mất dữ liệu cá nhân một cách đáng tiếc. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về Backup dữ liệu để người dùng có thêm cái nhìn khái quát về hình thức này.
Vì sao nên Backup dữ liệu?
Về cơ bản như đã đề cập, việc Backup dữ liệu chỉ đơn thuần là nhằm giúp các thông tin cá nhân, thông tin lưu trữ của người dùng không bị mất đi mỗi khi gặp phải sự cố. Trên thực tế, việc Backup cũng chỉ đơn giản như copy các tệp tin từ nơi này sang nơi khác, nên chúng sẽ không yêu cầu bạn phải thành thạo kỹ năng máy tính, hoặc đầu tư nhiều thời gian.
Người dùng trước hết cần nắm qua các sự cố xảy ra có thể dẫn tới mất thông tin dữ liệu, điển hình là ổ cứng có vấn đề khiến phân vùng bị xóa mất, máy bị nhiễm virus và các tệp tin bị “ăn” mất, hoặc chúng ta vô tình xóa/đánh mất trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên những lúc này nếu như chúng ta có một bộ nhớ Backup thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Để tối ưu Backup dữ liệu, người dùng có thể tham khảo lưu trữ tại nhiều nơi/bộ nhớ khác nhau nhằm tránh thất lạc.
Bạn nên Backup những gì?
Về cơ bản, bạn có thể Backup lại toàn bộ hệ thống nếu mong muốn nếu có đủ dung lượng bộ nhớ. Tuy nhiên để đạt hiệu suất cao nhất, người dùng chỉ nên Backup lại các bài hát, phim, ảnh, các tệp tin văn bản, ghi chú, hoặc các tệp tin cài đặt quan trọng.
Với các tệp tin văn bản thuần túy, việc Backup chúng là một việc tương đối đơn giản, tuy nhiên với hàng chục , thậm chí hàng trăm Gigabyte dữ liệu của các tệp tin lớn, nó lại là chuyện hoàn toàn khác. Thứ nhất, bạn sẽ cần một ổ cứng, USB, hoặc một bộ nhớ đám mây đủ lớn để có thể lưu trữ được chừng ấy dữ liệu. Tiếp theo, chúng ta sẽ phải đối mặt với một khoảng thời gian không hề ngắn để dịch chuyển, copy các tệp tin nặng.
Bao nhiêu lâu thì Backup một lần?
Để trả lời cho câu hỏi này, đáp án chỉ có thể là tùy thuộc vào mỗi cá nhân sử dụng. Chúng ta có thể Backup hàng ngày, hàng tuần, hoặc hàng tháng dựa theo mức độ cần thiết và quan trọng của công việc yêu cầu. Tuổi thọ của chiếc máy tính/laptop của bạn cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới tần suất chúng ta nên Backup dữ liệu.
Chẳng ai muốn phải sử dụng một cỗ máy già nua, một chiếc laptop thường xuyên lỗi hệ thống để làm việc. Tuy nhiên nếu bị bắt buộc phải làm như vậy, chúng ta nên có chính sách sao lưu, Backup dữ liệu hợp lý để tránh gặp phải những tình huống “dở khóc dở cười” nhất.
Chúng ta nên Backup ở đâu?
Về cơ bản, có 2 loại hình lưu trữ bạn có thể Backup dữ liệu: Đó là Backup bằng ổ cứng nội bộ, và Backup dựa trên bộ nhớ online. Cả 2 hình thức này đều có những ưu nhược điểm riêng, và tính tương thích với từng người dùng khác nhau.
Backup ổ cứng nội bộ (Local Backup) là hình thức yêu cầu bạn phải có đủ dung lượng bộ nhớ vật lý như ổ cứng HDD, ổ cứng SSD, ổ cứng di động, hay ổ USB,.. Ưu điểm của phương thức này đó là bạn có thể truy cập chúng gần như tại mọi lúc và mọi nơi. Đặc biệt là chúng ta không cần tới kết nối Internet để thực hiện sao/lưu.
Backup bằng phương pháp Online (Online Backup) mặt khác, lại phụ thuộc chủ yếu vào các dịch vụ lưu trữ đám mây Online trên mạng Internet. Điểm cộng của phương pháp này đó là chúng khá đảm bảo, và có tính an toàn cao – bạn sẽ gần như không phải lo lắng về việc mất bộ nhớ lưu trữ, hỏng thiết bị,.. Tuy nhiên điểm trừ của nó cũng khá lớn, đó là các dịch vụ lưu trữ thường có giới hạn dung lượng không cao, và chúng ta cần kết nối mạng để thực hiện các tác vụ sao lưu.
Nguyễn Nguyễn
Theo MakeUseOf
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam
Tìm kiếm sản phẩm giá rẻ nhất Việt Nam