Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Kích cỡ màn hình không phù hợp
Lựa chọn một chiếc laptop có kích cỡ màn hình phù hợp sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sử dụng. Chẳng hạn, bạn hay di chuyển nhiều thì màn hình 15 – 17 inch sẽ kéo theo trọng lượng máy tăng, nặng nề khi di chuyển. Hoặc dùng laptop thay máy tính để bàn thì màn hình 12 – 13 inch là hơi nhỏ vì dùng chẳng đã mắt… Tóm lại, bạn nên cân nhắc mục đích sử dụng của mình trước khi lựa chọn kích cỡ màn hình laptop vì nó còn liên quan đến cân nặng, cấu hình của máy nữa.
Không chú ý đến cổng kết nối
Nếu ở nhiều năm trước phần lớn laptop trên thị trường vẫn có đủ các cổng kết nối như 4 cổng USB, đầu đọc thẻ SD, khe cắm tai nghe và microphone riêng, cổng LAN và đầu ra VGA lẫn HDMI thì đến nay mọi thứ đã được tối giản rất nhiều. Nghĩa là có rất ít cổng kết nối.
Ví dụ: dòng Dell Inspiron hiện nay có 3 cổng USB, 1 cổng LAN, 1 cổng HDMI, 1 khe cắm thẻ nhớ, 1 khe cắm tai nghe. Đấy là số cổng trung bình. Tuy nhiên, ở một số model mới hiện nay như Macbook Air thì cổng LAN còn bị loại bỏ luôn, cổng USB chỉ còn 2.
Việc hạn chế số lượng cổng kết nối có thể gây bất tiện với nhiều người. Dĩ nhiên, bạn có thể sử dụng các hub/adapter để chia cổng nhưng lại khá bất tiện vì đi đâu cũng phải mang theo và có thể ảnh hưởng tới tuổi thọ của phụ kiện (do không đủ điện năng). Bởi vậy, hãy để ý xem số lượng cổng kết nối trên máy có đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của mình không.
Ham hố 2 trong 1
Vài năm gần đây có nhiều mẫu laptop lai tablet du nhập khiến thị trường laptop trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Hầu hết người dùng đều bị thu hút bởi khả năng biến hình của chúng và mua về để trải nghiệm cái cảm giác 2 trong 1. Tuy nhiên, những ‘đứa con lai’ như thế rất khó sử dụng lâu dài, thường thì rất nhanh hỏng.
Không nói đâu xa, chiếc Transformer Book T100 của Asus là một ví dụ. Cấu hình của chiếc máy này phải gọi là khá thấp, sử dụng như một chiếc máy tính xách tay bình thường còn chưa đã huống chi dùng để thay thế cho điện thoại Android, iOS.
Mặt khác, một số dòng sản phẩm tiên tiến hơn điển hình như Aspire R7 của Acer hay laptop Dell XPS 12 có chức năng ổn định, sử dụng mượt mà hơn nhưng lại quá to lớn và cồng kềnh so với một chiếc tablet.
Do đó, bài học rút ra là chỉ nên chọn một chiếc laptop phục vụ đúng chức năng của nó, đừng ham hố những thứ ‘nửa nạc, nửa mỡ’ làm gì.
Độ phân giải màn hình thừa thãi
Đa số laptop trên thị trường đều có màn hình độ phân giải Full-HD 1080p trở lên. Thậm chí các dòng đời mới còn sử dụng màn hình 2K hoặc 4K.
Đành rằng trải nghiệm hình ảnh trên màn hình như vậy sẽ rất ‘đã đời’ nhưng có thể gây sức ép không nhỏ lên phần cứng (CPU, RAM, Card đồ họa) và làm giảm thời lượng pin. Không chỉ vậy, do các biểu tượng và giao diện Windows được thiết kế trên đơn vị pixel, độ phân giải quá lớn sẽ khiến font chữ, biểu tượng, menu… bị thu nhỏ và rất khó dùng.
Bởi vậy, trừ khi là công việc cần đến màn hình độ phân giải lớn như thiết kế, đồ họa thì mới chọn, còn không bạn cứ sử dụng màn hình Full-HD cũng khá thoải mái rồi. Đâu phải cứ tốt nhất mới là phù hợp nhất đâu.
Kết luận
Trên đây là 4 sai lầm khi mua laptop mà người tiêu dùng thường mắc phải. Thay vì thỏa mãn nhu cầu tức thời của bản thân, hãy tính xa ra một chút để để chiếc máy tính xách tay có thể đồng hành với bạn ít nhất là 3 năm. Như thế thì khoản đầu tư của bạn mới trở nên có ý nghĩa và không lãng phí.
Chúc các bạn mua sắm thành công!