Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Bữa cơm gia đình thân mật, đầm ấm là nơi kết nối các thành viên trong gia đình sau một ngày làm việc căng thẳng. Một bữa tối đủ chất dinh dưỡng với nhiều món ngon, hợp khẩu vị của các thành viên của gia đình được mẹ, được vợ tự tay nấu nướng. Đối với người nội trợ thì việc mang đến cho người thân yêu những gì ngon, bổ và an toàn luôn là những tiêu chí hàng đầu. Không chỉ quan tâm đến thực phẩm, cách chế biến mà người nội trợ cũng cần quan tâm đến chất lượng chén, bát… dụng cụ ăn uống trong nhà cũng cần phải đảm bảo chất lượng.
Bát, đĩa, đũa… là những vật dụng ăn uống không thể thiếu trong mỗi gian bếp, nó có khả năng kích thích vị giác và tạo sự ngon miệng. Tuy nhiên, để chọn mua được những sản phẩm bát đũa an toàn, đạt chất lượng giá cả phải chăng, không phải là điều đơn giản đối với nhiều bà nội trợ. Nhất là đối với những sản phẩm bát đĩa sứ.
1. Chọn mua bát đĩa theo thương hiệu
Nguyên tắc chung khi chọn mua bát đĩa sứ giá rẻ mà an toàn là ưu tiên cho những sản phẩm có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng. Đây là điều quan trọng vì nó minh chứng cho việc sản phẩm có được đăng ký và kiểm tra chất lượng hay không.
Hiện nay, số lượng bát đĩa sứ có nguồn gốc từ Trung Quốc và không ghi rõ nơi sản xuất chiếm lĩnh hầu hết trên thị trường. Đặc biệt, những loại bát đũa này thường có hàm lượng chì vượt mức quy định nên không đảm bảo cho sức khỏe.
Các bà nội trợ nên chọn mua bát đĩa an toàn nên dựa vào nhãn hiệu và xuất xứ, có thể thử chất lượng bằng cách gõ vào bát, dĩa, nếu có âm thanh càng trong càng thanh thì chất lượng chén đĩa càng tốt. Nhưng nếu bạn không biết rõ về nguồn gốc xuất xứ thì người tiêu dùng chỉ nên lựa chọn hàng gốm sứ trắng.
2. Chọn bát đĩa sứ theo kinh nghiệm
Khi mua dùng ngón tay gõ đồ sứ, nếu nghe thấy tiếng kêu coong coong như tiếng kim loại thì chúng là đồ tốt. Nếu nghe tiếng kêu đục và nặng thì đó là đồ chất lượng kém.
Với bát ăn cơm, đĩa và khay bằng sứ có ba cách chọn: nhìn, gõ và úp. Quan sát bề mặt ngoài của đồ vật để xem độ sáng, xỉn của màu men, tươi tối, đậm nhạt của các hình vẽ và có các điểm đen, vết rạn nứt hay không. Dùng một que nhỏ gõ nhè nhẹ lên thành bát hay cạnh đĩa, khay. Nếu âm thanh phát ra nghe giòn, trong thì đó là đồ tốt, nếu âm thanh đục hay pha tạp thì chứng tỏ trên mình sản phẩm có vết rạn nứt nào đó mà bạn chưa nhìn ra.
Hãy úp ngược bát hay đĩa lên một mặt phẳng hay úp ngược chúng vào nhau để xem độ tròn méo như thế nào. Nếu đồ vật được tạo tròn trĩnh, cân đối thì úp xuống sẽ không thấy cong lệch. Ngoài ra cần chú ý, với bát ăn cơm nên chọn loại cao đế, vì như vậy sẽ tránh được bỏng tay và khi cầm thì dễ dàng thuận tiện hơn.
3. Chọn mua bát đĩa dựa vào màu sắc
Khi mua bát đĩa hay bất cứ đồ gia dụng nào, nên mua những loại càng ít hoa văn càng tốt, và tốt nhất là màu trắng hoặc màu tinh khiết như thủy tinh. Bát đĩa có màu sắc sặc sỡ hay hoa văn nhiều thường có hàm lượng chì rất cao, chúng không an toàn cho sức khỏe con người.
Theo các chuyên gia của Viện công nghệ sinh học – Công nghệ cho biết: các loại gốm sứ nung trên 1.000 độ C thường không có màu, còn các loại ly cốc tách đẹp rực rỡ là do nhà sản xuất cho thêm chì, nó vừa để tạo màu vừa giảm nhiệt độ nung để tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra chì còn được tráng bên ngoài để nhờ tính chất truyền sáng giúp đồ gốm sứ đẹp long lanh. Đặc biệt nguy hiểm hơn là những sản phẩm có hình in sát mép cốc vì chì dễ xâm nhập vào cơ thể khi người sử dụng ăn uống, và nhất là đối với trẻ nhỏ. Không chỉ với gốm sứ mà các loại bát đĩa, ly thủy tinh cũng nên hạn chế mua loại có màu sắc sặc sỡ.
4. Bảo quản đồ gốm sứ an toàn
Sau một thời gian sử dụng, bát đĩa sứ thường bị cáu bẩn và xỉn màu. Với cốc uống nước, bình, lọ, lấy bột có trộn men dùng làm bánh mì pha với nước, lau qua một lần lên bề mặt. Một lúc sau dùng giẻ mềm lau lại. Đồ dùng sẽ sáng bóng trong nhiều tuần lễ. Tuyệt đối không nên sử dụng máy rửa chén bát để rửa những đồ dùng bằng gốm, sành, sứ có hoa văn trang trí dễ bị phai.
Nên rửa đồ dùng bằng nước ấm và bằng nước rửa (có tính chất tẩy rửa nhẹ). Cẩn thận hơn, bạn nên để đồ dùng vào trong chậu nhựa được lót một tấm cao su dưới đáy để tránh bị vỡ trong trường hợp đồ dùng bị trượt khỏi tay. Rửa lại lần thứ 2 hoặc 3 với nước cùng nhiệt độ và dùng khăn sạch, mềm để lau khô trước khi cất. Không nên sử dụng vải có thấm nước Javel để rửa đồ dùng hoặc đồ vật trang trí bằng gốm sứ hiện đại, chúng sẽ bị xước dài.
Để chữa một vết nứt hoặc vết mẻ trên đồ gốm, trước tiên cần phải rửa vật dụng (thật cẩn thận và nhẹ tay) bằng nước rửa (tính chất tẩy rửa nhẹ), sau đó làm khô bằng máy sấy tóc. Nếu là đồ gốm dày, rạch thêm một chút vết nứt sau đó dán chúng lại bằng êpoxit, tiếp theo lau khô bằng một chiếc khăn tẩm cồn. Cột chặt vết rạn nứt bằng dây ít nhất 24 giờ.
Trên thực tế, không phải cứ chọn bát đĩa sứ có giá cao đã đạt được độ an toàn như mong muốn. Bạn cần cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn sản phẩm cho gia đình, không nên dùng đồ gốm sứ gia dụng trôi nổi và không rõ nguồn gốc, không chọn sản phẩm có màu sắc hấp dẫn và hoa văn loè loẹt vì dễ có độc tố gây hại cho sức khỏe, nhiệt độ nung chưa đạt chuẩn nên dễ lẫn tạp chất. Bạn cũng nên hạn chế dùng đồ sứ gia dụng tráng men màu trong lòng, nếu thấy đồ sứ gia dụng bị sần sùi hay bong tróc lớp men bóng hoặc rạn nứt thì nên thay đồ mới.