Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Nhiều nghiên cứu đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, ăn chay thực sự rất tốt cho sức khỏe. Ăn chay là một khuynh hướng đang thịnh hành ở các nước phát triển. Chế độ dinh dưỡng này giúp phòng chống được nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, nếu quyết định ăn chay, nhất là ăn chay tuyệt đối và lâu dài, bạn sẽ phải lưu ý đến nhiều vấn đề để bảo đảm sức khoẻ.
Có rất nhiều biến thể ăn chay khác nhau trên thế giới, nhưng quy tụ có 4 kiểu truyền thống sau:– Ăn chay tuyệt đối: Không ăn thịt, gia cầm, cá, sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng.– Ăn chay có dùng sữa.– Ăn chay có trứng.– Ăn chay có sữa và trứng.
Ngoài ra, có một dạng ăn chay khá phổ biến hiện nay là “ăn chay bán phần”, tức là chỉ kiêng các loại thịt đỏ như thịt bò, cừu… Cũng có những người chỉ ăn trái cây và thỉnh thoảng ăn rau; hoặc chỉ ăn cá, trai, sò, tôm, cua….
Một mâm đồ ăn chay
Dưới đây là những lợi ích khi ta theo đuổi con đường ăn chay:
Giảm sự tích tụ độc tố trong cơ thể
Thức ăn chay dễ tiêu hóa và hấp thu trong khi các sản phẩm từ động vật khó tiêu hóa hơn, khi phân hủy trong đại tràng có thể sinh ra nhiều độc tố.
Giảm lượng cholesterol trong máu
Chế độ ăn chay có ít cholesterol, ít acid béo bão hòa, nhiều acid béo chưa bão hòa nhiều nối đôi, nhiều vitamin E, C… Vì vậy, ăn chay rất phù hợp với các khuyến nghị của Mỹ trong “Hướng dẫn phòng chống các bệnh mãn tính”. Người ăn chay có lượng LDL-cholesterol thấp, chỉ số xơ vữa mạch máu thấp và HDL-cholesterol cao, có thể phòng ngừa được nhiều bệnh như: Béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, ung thư…
Giảm gánh nặng cho thận
Đối với những người có chức năng thận yếu, ăn chay có thể giúp giảm gánh nặng cho thận. Thường xuyên ăn thịt sẽ sản sinh nhiều acid uric, tạo sức ép nặng nề cho thận, có liên quan trực tiếp đến bệnh suy thận và sỏi thận. Ăn chay có thể loại trừ ảnh hưởng này.
Ngăn ngừa ung thư
Theo một nghiên cứu tại Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc bệnh ung thư của người ăn chay thấp hơn 20 – 40% so với người ăn thịt. Ăn chay có thể làm chậm sự thay đổi của các tế bào ung thư.
Tăng tuổi thọ
Theo nghiên cứu của các nhà dinh dưỡng học, người ăn chay trường thọ hơn những người không ăn chay.
Giảm cân
Chế độ ăn chay với các loại rau củ quả không chứa nhiều calo và chất béo nên rất có ích trong việc giảm cân và duy trì vóc dáng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, những người ăn chay có tỉ lệ béo phì thấp hơn đáng kể so với người ăn thịt (9,4% đối với người ăn chay và 33,3% đối với những người ăn thịt).
Các món ăn chay rất có lợi cho sức khỏe
Đẹp da
Thực phẩm chay có nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết giúp da khỏe và đẹp hơn.
Chống lão hóa
Các loại rau củ quả tươi, đặc biệt là bí ngô, cà rốt, rau dền và khoai lang giúp chống lão hóa da hiệu quả.
Giúp tĩnh tâm
Ăn chay giúp bạn cảm thấy tâm trí bình yên, không có ham muốn cạnh tranh, ganh đua. Người ăn chay tâm hồn sẽ trở nên hiền hòa và thanh thản hơn.
Bảo vệ môi trường
Người ăn thịt thường ăn cả động vật nuôi lẫn động vật hoang dã, điều này về lâu dài sẽ dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng và biến mất. Theo thống kê của Sở Nông Nghiệp Mỹ, số gia súc bị đưa vào lò mổ vào năm 2014 đã giảm đi 400 triệu so với năm 2007 nhờ lượng người ăn chay ở đất nước này đã tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, các kiểu ăn chay có thể tạo sự mất cân bằng về mặt dinh dưỡng. Để khắc phục các vấn đề có thể xảy ra, người ăn chay cần lưu ý:
– Chọn lựa, phối hợp thực phẩm và bổ sung các vitamin, chất khoáng một cách hợp lý để không bị thiếu các acid amin thiết yếu, vitamin B12, năng lượng, kẽm, sắt, đặc biệt là ở người ăn chay tuyệt đối.
– Chế độ ăn chay thường ít năng lượng do có ít chất béo và mau làm no bụng (vì nhiều chất xơ). Tình trạng này dễ xảy ra ở những người tăng nhu cầu về năng lượng như trẻ em đang lớn, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và người bệnh đang trong giai đoạn hồi phục. Vì vậy, cần lưu ý cung cấp đủ lượng calorie cần thiết bằng cách ăn thêm bữa phụ và sử dụng những thức ăn thực vật giàu năng lượng như các hạt có dầu, sữa đậu nành có béo…
Cần biết cách kết hợp các món chay với nhau để hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng
– Thức ăn thực vật giàu đạm thường thiếu một số acid amin thiết yếu như lysine (gạo, bắp, lúa mỳ), threonine (gạo), tryptophan (bắp) và methionine (các loại đậu). Nhưng tình trạng mất cân đối các acid amin sẽ không xảy ra nếu chúng ta biết cách phối hợp các loại đạm thực vật theo cách sau:
+ Rau đậu và các loại hạt. Ví dụ: Cháo với mè và đậu.
+ Ngũ cốc và họ rau đậu. Ví dụ: Cơm với đậu, súp đậu với bánh mỳ…
+ Ngũ cốc và sản phẩm từ sữa. Ví dụ: Bánh mỳ với sữa, cơm hoặc mỳ sợi với phô mai.
+ Rau có thể ăn với cơm, các hạt có dầu, phô-mai, mầm lúa mỳ.
– Tránh thiếu máu do thiếu sắt bằng cách ăn nhiều rau quả (đặc biệt là cam, chanh, dưa đỏ, ớt, cà chua, bông cải xanh…). Rau quả có nhiều vitamin C, giúp tăng cường hấp thu sắt và lấn át cả tác dụng ngăn cản hấp thu sắt của acid phytic, acid oxalic, acid tannic… Phụ nữ có thai, đang cho con bú, trẻ sơ sinh, trẻ đang dậy thì, vận động viên hoặc người mất máu nhiều nên sử dụng viên sắt bổ sung.
– Tình trạng thiếu vitamin B12 (gây thiếu máu hồng cầu to hoặc bệnh dây thần kinh) có thể xảy ra ở người ăn chay tuyệt đối vì thức ăn thực vật không có vitamin B12. Cần bổ sung vitamin này cho người ăn chay là phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và đặc biệt là người cao tuổi (vì thường đi kèm với giảm hấp thu vitamin B12 do thiếu yếu tố nội tại). Nếu ăn chay có trứng và sữa thì ít khi bị thiếu chất này.
– Thiếu kẽm có thể xảy ra ở người ăn chay tuyệt đối do kẽm trong thức ăn thực vật bị giảm hấp thu bởi acid phytic, oxalates, chất xơ và đạm đậu nành. Người cao tuổi (dù có ăn chay hay không) cũng có nguy cơ thiếu kẽm. Do vậy, có thể bổ sung bằng cách uống viên kẽm hoặc viên chứa kẽm.
H.L(Tổng hợp)
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam