Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Bạn muốn một chiếc máy ảnh cao cấp sở hữu ống kính rời? Một vài năm trước, điều ấy thật quá dễ dàng, bạn chỉ cần mua ngay một chiếc máy ảnh DSLR nhưng năm 2009 Olympus tung ra thị trường chiếc máy ảnh không gương lật đầu tiên thì mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn.
Theo lý thuyết, dòng máy ảnh không gương lật (hay còn gọi là máy ảnh CSC) này rất tuyệt vời bởi vì chúng nhỏ hơn, nhẹ hơn và vận hành đơn giản dòng DSLR. Những chiếc máy ảnh không gương lật này chẳng khác gì những chiếc máy ảnh compact cỡ lớn trong khi những chiếc DSLR thì lại lớn hơn cả một chiếc máy ảnh compact thông thường.
Các nhiếp ảnh gia tầm trung và chuyên nghiệp phần nào đã bị dòng không gương lật “chinh phục”. Thứ nhất, chất lượng hình ảnh của dòng máy ảnh này hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với dòng DSLR. Thứ hai, các tính năng và hệ thống điều khiển của dòng không gương lật không hề kém cạnh những chiếc DSLR. Thứ ba (đây cũng là điều quan trọng nhất), dòng máy ảnh không gương lật có (hoặc sẽ có) một loạt các loại ống kính ngang tầm các loại ống kính đã có của dòng DSLR.
Vậy bạn thấy những chiếc máy ảnh không gương lật đã “xứng tầm” với dòng DSLR hay có thể “vượt mặt” những chiếc DSLR chưa? Để giúp bạn quyết định, chúng tôi đã đưa ra 10 điểm khác biệt lớn giữa dòng máy ảnh không gương lật và DSLR.
Kích thước và trọng lượng
• DSLR: Chúng cồng kềnh và hơi “ục ịch” nhưng nhờ vậy máy có thể đi kèm với các loại ống kính kích thước lớn và chúng cũng rất phù hợp với những ai có bàn tay lớn
• CSC: Chúng nhỏ và nhẹ hơn nhưng hầu hết các ống kính của chúng có kích thước to chẳng kém gì ống kính của dòng DSLR
Kích thước nhỏ gọn là điểm nổi trội của các máy ảnh không gương lật nhưng sự thực không hoàn toàn là vậy, bởi vì kích thước chuẩn phải là sự kết hợp giữa kích thước của thân máy và ống kính chứ không chỉ tính riêng kích thước máy. Đây chính là vấn đề của các máy ảnh không gương lật APS-C, chúng có một ‘thân hình” mảnh mai đẹp đẽ nhưng ống kính của chúng lại vừa to vừa nặng. Một vài sản phẩm hiện đã có ống kính thu gọn hoặc ống kính power zoom nhưng điều đó không thực sự hiệu quả khi bạn phải đổi sang loại ống kính khác để sử dụng.
Các máy ảnh Panasonic và Olympus có lợi thế cực lớn ở đây. Cảm biến Micro Four Thirds có kích thước nhỏ hơn cảm biến APS-C (tuy nhiên các nhiếp ảnh gia không hề thích điều này) nhưng điều này đồng nghĩa là ống kính của chúng nhỏ hơn và nhẹ hơn, khiến toàn bộ trọng lượng của máy giảm đi đáng kể.
Ống kính
• DSLR: Hãng Canon và Nikon đều có lượng ống kính cực “khủng” và số lượng ống kính của Pentax cũng khá nhiều
• CSC: Olympus, Panasonic và Sony đều sở hữu nhiều loại ống kính đa dạng; Samsung đang cố gắng bắt kịp 3 hãng “anh lớn”, còn các hãng khác thì không đáng kể
Nếu bạn cần các ống kính rộng nhất, hãy lựa chọn máy ảnh DSLR của Canon hoặc Nikon nhưng dòng không gương lật cũng là một lựa chọn không tồi. Các máy ảnh không gương lật của Sony có chất lượng khá tốt tuy rằng các loại ống kính một tiêu cự tốc độ nhanh hơn và ống kính zoom thay đổi khẩu độ sẽ phù hợp hơn. Ngoài ra, máy ảnh của Panasonic và Olumpus sử dụng cảm biến định dạng Micro Four Thirds, vậy nên bạn không cần lo vấn đề ống kính to và cồng kềnh nữa.
Kính ngắm
• DSLR: Nhiều nhiếp ảnh gia vẫn thích sử dụng kính ngắm quang học vì loại kính ngắm này có tầm ngắm “thoáng”, dáng vẻ tự nhiên và không hề bị lag.
• CSC: Các nhiếp ảnh gia khác thì lại muốn ngắm cảnh dưới dạng kỹ thuật số đúng như cách mà máy ảnh chụp nó.
Tất cả máy ảnh DSLR dù là dòng máy ảnh rẻ nhất đều có kính ngắm quang học bởi vì nó là một phần không thể thiếu trong thiết kế của một chiếc DSLR. Còn các máy ảnh CSC? Nhiều máy ảnh CSC không có kính ngắm nên bạn phải dùng màn hình LCD phía sau để ngắm ảnh, tuy nhiên màn hình này hoạt động không tốt cho lắm khi ánh sáng quá mạnh.
Các máy ảnh CSC có kính ngắm thì giá không hề rẻ và chúng đều là kính ngắm điện tử chứ không phải kính ngắm quang học như ở máy ảnh DSLR, chúng hiển thị trực tiếp hình ảnh từ cảm biến chứ không thông qua hệ thống lăng kính ngũ giác/gương quang học.
Kính ngắm điện tử đang có những bước phát triển vượt bậc, vậy nên các máy ảnh được trang bị EVF tối tân nhất rất hiếm khi hiển thị hình ảnh bị nhiễu, mặc dù thi thoảng sẽ có hiện lượng “lag” xảy ra khi bạn di chuyển máy ảnh quá nhanh.
Lợi thế của kính ngắm điện tử là chúng có thể hiên thị nhiều thông tin hơn kính ngắm quang học, ví dụ như quang đồ (đồ thị báo sáng) của ảnh. Kính ngắm điện tử còn có khả năng tái tạo hình ảnh kỹ thuật số mà máy ảnh đã chụp.
Tuy nhiên quá trình tái tạo đôi khi cũng không hoàn hảo và nhiều nhiếp ảnh gia muốn tự chiêm ngưỡng thế giới bằng chính đôi mắt của mình khi họ kiểm tra ảnh kỹ thuật số từ màn hình LCD sau khi chụp.
Tự động lấy nét
• DSLR: Khả năng theo dõi vật chuyển động nhanh tốt hơn, nhưng chế độ live view kém
• CSC: Lấy nét live view liên tục đồng nghĩa với việc chụp ảnh nhanh hơn khi sử dụng màn hình LCD
Dòng máy DSLR sử dụng các module lấy nét theo pha có tốc độ và hiệu suất cao, thường được gắn ở dưới gương lật bên trong máy, nhưng module này chỉ có thể hoạt động khi gương đang lật xuống. Nếu bạn đang dùng chế độ live view trên máy DSLR hay đang sắp xếp bố cục ảnh hoặc video với màn hình LCD, gương sẽ phải được lật lên và module lấy nét chuẩn sẽ không còn được chiếu sáng nữa. máy ảnh buộc phải sử dụng sang hệ thống lấy nét tương phản lấy nét qua hình ảnh được thu lại bởi cảm biến nên có tốc độ chậm hơn.
Một vài mẫu máy ảnh DSLR của Canon, nổi bật là chiếc EOS 70D Mark II (Dual Pixel AF), EOS 750D và 760D (Hybrid CMOS AF) có hệ thống tự động lấy nét lai sử dụng các điểm ảnh láy nét theo pha đi kèm trên cảm biến. Tính năng này được thiết kế để tăng tốc độ tự động lấy nét trong chế độ live view gần như dòng máy ảnh CSC, nhưng công nghệ lấy nét này không phải là công nghệ tiêu chuẩn cho mọi máy ảnh DSLR.
Dòng máy CSC thường phải dùng tính năng tự động lấy nét theo cảm biến. Đa số đều là hệ thống lấy nét tương phản và vì lý do nào đó mà hệ thống lấy nét tương phản cùa dòng máy CSC có tốc độ cao hơn hệ thống lấy nét tương phản tương tự của dòng máy DSLR. Những mẫu máy ảnh CSC cao cấp hơn sử dụng hệ thống tự động lấy nét lai cao cấp, kết hợp cả lấy nét tương phản và lấy nét theo pha. Những hệ thống lấy nét lai này có thể cao cấp tới mức đủ tốc độ để khóa vào các vật đang chuyển động và lấy nét các vật này. Đây là lợi thế mà trước đây chỉ có dòng DSLR có.
Chụp liên tiếp
• DSLR: Ngay cả những chiếc DSLR tốt nhất cũng không thể đuổi kịp tốc độ của nhưng chiếc CSC tốt nhất
• CSC: Thiết kế không gương lật giúp khả năng chụp ảnh liên tiếp có tốc độ cao hơn
Bạn cần phải sử dụng chế độ chụp ảnh liên tiếp tốc độ cao để có thể chụp ảnh hành động. Và dòng máy CSC lại có thế manh hơn cho việc này, một phần vì dòng máy ảnh không gương lật có ít bộ phận di chuyển hơn và nhiều mẫu máy ảnh không gương lật hiện nay đang đi theo xu hướng video 4K, vì vậy máy cần có khả năng xử lý mạnh mẽ hơn và chính điều đó giúp tăng khả năng chụp ảnh liên tiếp.
Ví dụ, mẫu máy ảnh DSLR cao cấp nhất của hãng Canon có thể chụp ảnh liên tiếp với tốc độ 12fps, nhưng chiếc máy ảnh không gương lật Samsung NX1 có thể đạt tốc độ 15fps. Hãng Panasonic lại đi tiên phong với việc sử dụng video 4K để chụp ảnh 8MP với tốc độ 30fps.
Phần 2 tới, chúng tôi sẽ “bật mí” cho bạn 5 điểm khác biệt còn lại của dòng máy ảnh CSC và DSLR.
Hồng Ngọc
Tổng hợp
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam