1. Tin tức hữu ích
  2. Đặt khách sạn
  3. Dịch vụ tài chính
  4. Đăng sản phẩm lên Websosanh
  5. Hỗ trợ khách hàng - 1900.0345

Tai nghe HyperX Cloud Stinger: Tai nghe gaming tầm trung đáng tiền

Trải qua nhiều lần nâng cấp, cải tiến và đổi mới, từ HyperX Cloud Gaming, Kingston liên tục cho ra các sản phẩm tai nghe thuộc dòng Cloud Gaming như: Cloud 2 - Cloud Core - Cloud Revolver - Cloud X với những mức giá rất đáng cân nhắc khi đong đếm về chất lượng/giá cả so với các dòng tai nghe khác. Và gần đây nhất, Kingston với quyết tâm thể hiện giá trị của mình trên nhiều phân khúc sản phẩm, đã cho ra đời dòng tai nghe thuộc phân khúc Mid-end với một cái tên rất "kêu": tai nghe HyperX Cloud Stinger.

Đánh giá thiết kế tai nghe HyperX Cloud Stinger

Với một thiết kế nhỏ gọn hơn rất nhiều so với các dòng tai nghe đã ra đời trước đó của Kingston, với vóc dáng của phần bầu tai hơi tròn và cong, khi nhìn nghiêng giống một chiếc đuôi của con ong cùng ngòi chích, không tự nhiên mà chiếc tai nghe này được mang tên Stinger.

Trọng  lượng của cả chiếc tai nghe khá nhẹ : 275 gram, vì điều này, người sử dụng sẽ không cảm thấy nặng nề hay bị đau, mỏi đầu khi đeo lâu, cũng vì thế, chúng ta có thể thấy Kingston đang muốn hướng đến xu hướng giải trí/nghe nhạc di động với các dòng sản phẩm của họ.

Hai phần bầu tai sẽ mỏng hơn và nhẹ hơn, đồng nghĩa với việc sẽ bớt "nóng" hơn khi sử dụng liên tục trong thời gian dài, cùng sự linh hoạt trong chuyển động của phần này sẽ ôm vừa lấy khoang tai của người dùng, hạn chế tạp âm xem kẽ vào nhưng sẽ không ôm quá chặt, tránh gây đau vành tai và bí tai.

Phần gọng tai của HyperX Cloud Stinger cũng vậy, với khung là một thanh kim loại tạo sự chắc chắn, bo ngoài bằng một lớp nhựa nhẹ cùng đệm da bên dưới, là phần tiếp xúc trực tiếp với đầu của người dùng và có các nấc để chỉnh độ ôm của phần gọng này.

Ở 2 bên, đoạn tiếp xúc của phần gọng này với 2 bầu tai sẽ không còn là kiểu gọng kềm cố định bằng kim loại ôm lấy bầu tai như các dòng Cloud trước, mà sẽ là bằng nhựa, nhưng phần này vẫn có cơ chế quay ngang linh hoạt sang 2 bên để phù hợp với nhiều kiểu đeo tai nghe của nhiều người.

Micrphone của Stinger được gắn liền với phần bầu tai trái. Phần micro này có 2 chế độ hoạt động : gạt lên = tắt micro và gạt xuống = bật micro, ngay bên cạnh phần gốc của micro cũng có ký hiệu thể hiện cho điều này, 2 chế độ này được phân biệt qua 1 tiếng "tạch" nhẹ mỗi khi người dùng gạt lên/xuống chiếc cần micro này. Phần đầu thu âm của Stinger bằng nhựa, không có lớp bọc khử nhiễu, và nhìn qua thì có vẻ khá cứng cáp.

Phần tinh chỉnh âm lượng (volume) được đặt ở rìa bên dưới của bầu tai phải, ở ngay đoạn mà người sử dụng có thể dễ dàng đưa tay lên để gạt nút volume này.

Kết nối mặc định của HyperX Cloud Stinger là kết nối bằng một đầu jack audio 3.5mm có thể kết nối mọi lúc mọi nơi với bất cứ thiết bị nào có trang bị cổng audio 3.5mm ngoài pc hay laptop ra như smartphone, tablet, ipod, v.v... Việc này đề cao tính di động của sản phẩm, người dùng có thể thưởng thức âm nhạc mọi lúc mọi nơi bất với tất cả các thiết bị mà không bị giới hạn như kết nối usb bình thường vì các loại phone, tablet thường không có cổng usb. Không những vậy, kết nối 3,5mm này còn cho phép người dùng thoải mái sử dụng HyperX Cloud Stinger với những thiết bị khác như Gaming Console (Xbox One, PS4, Wii U...).

Trải nghiệm thực tế

Khi chơi game : Stinger rất tốt khi sử dụng khi chơi game, ngay khi đeo tai nghe vào, bạn thấy một sự "im lặng" và sẽ cần hơi nhấc tai nghe lên nếu muốn nghe âm thanh từ bên ngoài, sự im lặng này chính là điểm mà Stinger làm rất tốt : hạn chế tối đa tạp âm từ bên ngoài.

Khi nghe nhạc : Âm thanh mà Stinger mang lại có thể nói là khá "phẳng", treble trong và cao, có nhiều đoạn hơi sắc, bass thì là một sự đối lập, bởi âm bass có lẽ không phải là một thế mạnh của Stinger. Sự "sắc" của treble thể hiện khá rõ khi điều chỉnh âm lượng lên mức cao nhất. Loại nhạc phù hợp với Stinger chắc chắn không phải nhạc dance hay các thể loại nhạc có nhiều bass tương tự.

Khi xem phim : Stinger sử dụng kết nối analog 3,5mm, vì vậy nếu bạn đòi hỏi gì nhiều hơn ví dụ như việc thưởng thức một bộ phim với âm thanh surround 7.1 chẳng hạn sẽ là điều không thể. Việc tái tạo âm thanh của Stinger đối với những bộ phim có thể chấm ở mức ổn.

Microphone: tuy là một dạng micro đơn hướng, nhưng microphone của Stinger có thể thu âm tốt ở tất cả các hướng xung quanh nó, chiếc mic này khá giống dạng microphone được sử dụng trong các cuộc hội nghị, nơi mà thiết bị thu âm sẽ được đặt ở giữa chiếc bàn mà mọi người ngồi xung quanh và chiếc mic cần phải làm tốt việc đó. Điều này có nghĩa là bạn sẽ không cần phải chuyển đổi dịch chuyển vị trí chiếc micro, tất cả sẽ đều được làm một cách tự động.

Lời kết

Kết lại, đây là một chiếc tai nghe hoàn hảo cho những game thủ muốn một dòng tai nghe cao cấp hơn bình thường nhưng kinh tế chưa được dư dả để sử dụng. Người viết đánh giá rất cao Stinger, bởi với mức giá rẻ và chất lượng mà nó mang lại, có lẽ chúng ta không có gì cần phải phàn nàn. Rõ ràng rằng Kingston đang muốn thể hiện rằng họ tuy mới, nhưng đã và vẫn đang là một đối thủ rất nặng ký trên thị trường gaming gear nói chung hay tai nghe gaming nói riêng.

Thông tin về tai nghe hyperx cloud stinger

So sánh, tìm kiếm giúp mua được giá rẻ, uy tín và tốt nhất