Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
Giá sữa ngoại từ xưa đến nay vẫn luôn là chuyện mà người người, nhà nhà mang ra để “bàn bạc”, mặc dù có lý lẽ đến đâu thì nó vẫn cứ ngất ngưởng trên trời. Ở một quốc gia mà sữa ngoại chiếm 80% thị phần còn sữa nội chỉ chiếm 20% thì việc giá sữa không tuân theo quy luật tăng giảm của thế giới thực sự là một vấn đề mà ai cũng thắc mắc, băn khoăn.
Giá sữa thế giới giảm nguyên nhân do đâu?
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 8/2015, giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới đã giảm mạnh 12 – 20%, trong đó giảm nhiều nhất tại thị trường châu Úc với biên độ giảm từ 30 – 35% so với tháng trước do nguồn cung sữa khu vực này dư thừa.
Giá sữa thế giới đã giảm, tại sao Việt Nam lại chưa?
Bên cạnh đó thì theo BBC, giá nguyên liệu sữa giảm do 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là hiện nay, nông dân tại một số nước nông nghiệp đang đối mặt với sự cạnh tranh rất khốc liệt trong thị trường sữa, cung gần như đã vượt quá cầu. Nguyên nhân thứ hai là do Nga cấm nhập khẩu sữa ngoại và ở Trung Quốc thì nhu cầu tiêu thụ sữa giảm mạnh – thị trường sữa gần như đã mất đi hai “miếng bánh” béo bở nhất. Nguyên nhân cuối cùng là do Liên minh Châu Âu đã dỡ bỏ hạn ngạch số lượng người nông dân có thể sản xuất sữa vào cuối tháng 3 vừa rồi, điều này có nghĩa là ai cũng có thể sản xuất sữa.
Hầu hết khi có thông tin về giá sữa thế giới giảm, mọi người – nhất là những ông bố bà mẹ có con nhỏ đều rất mong chờ một dấu hiệu giảm giá của sữa ngoại trong nước. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược, vẫn là những lý lẽ rất hợp lý cho việc không giảm giá sữa, thậm chí còn có thể tăng.
Những nguyên nhân khiến giá sữa trong nước không chịu giảm theo giá sữa thế giới
– Bộ Tài Chính trả lời về việc giá sữa không giảm
Theo Bộ Tài chính cho biết giá chào bán nguyên liệu (sữa bột gầy, sữa nguyên kem…) của thị trường Tây Âu, châu Úc tăng liên tục 3 tháng đầu năm, nhưng từ tháng 4 đến nay giảm khoảng 20%. Tuy nhiên, sự giảm giá này chỉ là mức giá chào bán. Thực tế các doanh nghiệp sản xuất sữa phải chịu thêm chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng… Bởi vậy, “giá sữa giảm nhưng lại không thực sự giảm”.
Với nguồn sữa nhập khẩu, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá nhập khẩu thành phẩm về Việt Nam của doanh nghiệp từ tháng 6/2014 đến nay ổn định. Do vậy, giá sữa trong nước không thay đổi.
Giá sữa Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu giảm!
– Nghịch lý về việc giá sữa “cõng” giá điện, lương tối thiểu
Mặt hàng sữa thành phẩm dành cho trẻ em thực ra còn chịu tác động của rất nhiều yếu tố gây tác động tăng giá như việc lương tối thiểu, tỷ giá, giá điện tăng…
Cụ thể, theo phân tích của Bộ Tài chính, việc lương tối thiểu tăng 14% trong năm 2015 khiến chi phí tiền lương và đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đội thêm. Không chỉ vậy, từ khi thực hiện bình ổn giá (tháng 6/2014) đến nay, tỷ giá đã được điều chỉnh 4% (3% năm 2015).
Bên cạnh đó, giá điện tăng 7,5% từ tháng 3/2015, theo Bộ Tài chính, cũng khiến chi phí giá sữa bị đội lên, trong khi doanh nghiệp đang thực hiện áp giá trần nên không được tăng giá.
– Có dấu hiệu chuyển giá giữa các doanh nghiệp sữa
Tất nhiên, bởi vì chỉ mới có dấu hiệu nên mặc dù Cục Quản lý Giá dù đã thừa nhận là có sự thao túng, chuyển giá giữa các doanh nghiệp sữa nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết. Cục đã phát hiện hiện tượng nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định. Do đó, Cục đã đặt nghi vấn biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, song việc kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa lại rất khó khăn.
Bởi rất nhiều lý do, từ rõ ràng cho đến không rõ ràng mà hiện nay giá sữa trẻ em vẫn ở mức cao và hoàn toàn đi ngược với xu hướng của thế giới. Hy vọng, trong thời gian tới, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ những chính sách mới của nhà nước.
G.H
Tổng hợp
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam