Chuyển tới tiêu đề chính trong bài [xem]
1. Miệng giày rộng
Trong độ tuổi này, bé có bàn chân tương đối mềm mại và chưa biết cách “phối hợp” với người lớn để xỏ giày vào chân một cách thuận lợi. Vì vậy, những đôi giày có miệng rộng, mũi mềm sẽ giúp bé xỏ chân dễ dàng hơn, đồng thời cũng không làm chân bé bị đau hay bị xước.
Khi bé bước vào giai đoạn tập đứng là lúc các đầu ngón chân bắt đầu thẳng ra nên một đôi giày mũi rộng sẽ khiến bé thoải mái hơn.
2. Mũi giày mềm
Trong giai đoạn học đi, tất nhiên bé sẽ đi chưa vững, các bước chân còn vụng về. Vì bé sẽ có cách đi rất ngộ nghĩnh là đặt cả bàn chân xuống đất để bước đi nên bạn cần hướng dẫn bé cách sử dụng gót chân và mũi chân khi đi. Nếu đôi giày của bé có mũi mềm đến mức có thể uốn cong được sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình học đi này. Bởi vậy, khi mua giày cho bé, bạn nên dùng tay khẽ bẻ gập một chút để kiểm độ mềm của mũi giày.
3. Thử giày trước khi mua
Một đôi giày có phù hợp với bé hay không, chỉ cần cho bé thử xỏ chân vào là có thể nhận ra ngay. Vì vậy, bạn nên cho bé đi thử giày vào cả hai chân, bước vài bước trên đường rồi mới quyết định mua.
4. Chọn giày rộng hơn cỡ chân
Chân bé thường phát triển nhanh nên các chuyên gia y tế về trẻ nhỏ khuyến cáo các mẹ nên đo kích cỡ chân bé 2 tháng 1 lần để đảm bảo con đang đi một đôi giày hợp cỡ chân. Khi mua mẹ nên chọn giày rộng hơn cỡ chân thực khoảng 5 – 10mm.Về mùa lạnh, bạn cần tính đến độ dày của tất để chọn cỡ giày phù hợp.
5. Chú ý khi mua giày có nút gài
Xăng-đan hoặc giày có nút gài có tác dụng thay đổi độ “ôm” chân một cách linh hoạt tùy theo hình dáng, độ dày chân của từng bé. Tuy nhiên, khi mua loại giày này, bạn nên chọn loại có quai gài ngắn để tránh việc bé có thể ngã khi chẳng may dẫm phải phần thừa ra của quai. Bên cạnh đó, khi đi giày cho bé, bạn cần chú ý thắt nút ở mức độ vừa phải, tuyệt đối không được thắt chặt vào chân bé.